HỎI – ĐÁP (Quan trọng trong đời và sự nghiệp).

Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình.

Ân Đức Nhân

HỎI: Tướng quân cho em hỏi, em thấy Công ty ta có nhiều người mới vào đã chốt liên tục 2 – 3 vụ, thậm chí ngay năm đầu tiên “học nghề” trước đó chưa biết gì nghề, một số Chuyên viên tổi đời còn trẻ thậm chí mới ra trường cũng có … mà đã kiếm tiền tỷ ngay năm đầu, năm thứ 2; có những Trưởng phòng, Chuyên gia còn rất trẻ (25 - 30 tuổi) cũng đã phát triển phòng tới hàng trăm người và kiếm tiền tỷ đều. ĐIỀU ĐÓ CÓ TỐT KHÔNG ?

TRẢ LỜI:

Để trả lời toàn vẹn, sâu sắc câu hỏi này, trước hết ta phải nắm về mặt nguyên tắc chung của cuộc sống mấy điều:

+ Sự việc gì trên đời này xảy ra cũng có nguyên nhân của nó (và kết quả đó là tổng hòa nhiều chứ không phải chỉ một nguyên nhân).

+ Kết quả này sẽ là nguyên nhân xảy ra các điều tiếp theo.

+ Điều gì xảy ra được đánh giá là tốt hay không tốt là do góc nhìn mỗi người.

+ Cũng là việc như nhau nhưng xảy ra với người này là tốt, xảy ra với người kia lại là không tốt.

+ Cũng là 1 người nhưng thời điểm này xảy ra lại là tốt, thời điểm khác xảy ra lại là không tốt.

+ Tốt mặt này nhưng mặt khác có thể không tốt … trong nguy có cơ, trong cơ có nguy.

+ …

Đối với tình huống người mới vào nhanh chóng chốt liên tục 2 – 3 vụ chốt hay là người kiếm tiền tỷ ngay năm đầu bước vào nghề cũng như vậy.

NGUYÊN NHÂN có thể do một hoặc một vài hoặc tất cả điều sau xảy ra dẫn đến kết quả tạm thời này:

+ Phương pháp làm của Công ty tốt.

+ Người đó chăm chỉ.

+ Người đó năng lực tốt.

+ Chuyên gia (Đầu chủ) hỗ trợ thành viên đó tốt (tương tác phía chủ nhà).

+ Trưởng phòng, Trợ lý, Trưởng nhóm (Bá tước), Chuyên viên khác đã tư vấn, giúp đỡ tốt.

+ May mắn gặp đúng khách phù hợp nhà vào thời điểm khách đã hiểu thị trường mà mệt mỏi với việc tìm nhà, đến thời điểm khách quyết và quyết nhanh (tại sao gặp may mắn này thì có nhiều nguyên nhân logic và nguyên nhân bí mật khác …).

+ …

Nhìn chung vào các nguyên nhân trên ta mới thấy công sức của Chuyên viên có chốt cũng có nhưng chỉ là một phần, một góc tạo nên vụ chốt. Đối với từng người, từng vụ chốt thì nguyên nhân là khác nhau và trọng số quan trọng mang tính quyết định đối với từng vụ chốt là rất khác nhau. Đối với người mới vào có thể chăm chỉ, còn kỹ năng thì chắc chắn dù kỹ năng mềm trước khi vào nghề có tốt thì khi vào nghề này cũng còn phải nâng cấp và thay đổi rất nhiều không thể ngày một ngày hai, và cần tăng liên tục không có giới hạn. Theo kinh nghiệm quan sát, đúc kết của Công ty khoảng 10.000 nhân sự đã đến làm việc gần 10 năm qua cho rằng: Dù là ai giỏi đến mấy thì 2 – 3 vụ đầu có thể nói là may mắn và do cơ hội tốt của nghề, môi trường, phương pháp tốt từ Công ty và sự hỗ trợ từ Trưởng phòng, Trưởng nhóm, Chuyên viên khác mà thành.

TỐT hay XẤU ta còn phải xem THÁI ĐỘ phản ứng của người đó sau khi chốt, và các HÀNH DỘNG TIẾP THEO mà người ấy thực hiện thế nào thì mới kết luận được là tốt hay xấu.

+ Trường hợp 1: Nếu chốt xong, kiếm tiền tỷ xong mà dương dương tự đắc, bản ngã (cái tôi) tăng nhanh, nghĩ mình tài giỏi biết tất thì họa sắp tới: Người đó không có lòng biết ơn Công ty (vì không nhìn thấy giá trị nền tảng Công ty đã gây dựng để họ có thể có kết quả ấy, người đó không có lòng biết ơn những người đã tuyển dụng, đào tạo, hỗ trợ (vì nghĩ kết quả là do mình chăm và mình giỏi), người đó sẽ ngừng học hỏi, sẽ nghĩ mình có thể độc lập làm mà không cần hỏi ý kiến ai, không cần ai giúp đỡ, thậm chí không cần làm theo cách mà Công ty hướng dẫn … và rất lâu sau không chốt lại được nữa, chỉ chốt lại cho tới khi khiêm tốn trở lại, hoặc trừ khi phước người đó còn nhiều thì chốt tiếp cho đến khi hết phước thì không thể chốt được nữa.

+ Trường hợp 2: Nếu chốt xong, kiếm tiền tỷ xong mà tiêu pha tiền vào những “tiêu sản” để hưởng thụ bản thân, không biết dành để báo hiếu cha mẹ, để làm việc giúp ích cho đời thì tiêu hết tiền cũng khó chốt lại được. Bởi vì tiền về đó là phước báu, phước dùng hết thì họa tới. Dành tiền bạc, thời gian để hưởng thụ thì không tập trung làm việc, trở nên lười nhác hơn, muốn làm ít hơn mà hưởng thụ nhiều hơn (nghĩ mình xứng đáng được như vậy) bản thân tụt dốc về mọi mặt.

+ Trường hợp 3: Tiền kiếm được biết báo hiếu cha mẹ, để vào mua những “tài sản” tích lũy (không tiêu xài hoang phí), tiếp cục “cắm cổ cày” không buông lơi tâm trí, không kiêu mạn khinh khi, vẫn tiếp tục “làm như những ngày đầu” – vẫn chăm chỉ, vẫn hỏi han, phối hợp đồng đội, làm đúng phương pháp Công ty hướng dẫn, biết lắng nghe, học hỏi, rút kinh nghiệm và biết rằng tất cả mới chỉ bắt đầu, bản thân so với các anh em lão luyện thì còn thua xa rất nhiều mặt … cứ như vậy thì chắc chắn sẽ cứ chốt mãi …

THỰC TẾ thì: Bất kỳ ai cũng trải qua trường hợp 1, và 2.

+ Người thì mức độ nhẹ, người thì mức độ nặng khó tránh khỏi, vì đó là quy luật tâm lý mà ta phải là người rèn luyện bản thân đúng đắn và mạnh mẽ mới khắc phục tốt.

+ Người thì trường hợp 1, 2 đến sớm (mới 1, 2, 3 vụ đã bị nặng), người thì đến muộn (đến 5 – 7 vụ … mới bị), thậm chí có người đến khi kiếm tiền tỷ rồi mới bị, tùy vào căn cơ và sự rèn tâm của họ … khi họ “sai lầm” nó rất vi tế, tự người đang bị “bệnh” này khó biết họ bị. Nếu họ tự nhận biết, hoặc được nhắc nhở (mà tin và tôn trọng người nhắc) thì họ bắt đầu quan sát tâm mình, rồi từng ngày chiến đấu với chính mình. Khi nào vượt qua được chính mình, người ấy mới vượt qua được người khác.

TÓM LẠI: Chốt ngay quá sớm, thành công quá nhanh vừa là cái may, vừa là cái rủi, dễ làm tăng bản ngã và không biết trân trọng cơ hội, không thấy biết ơn, không biết trân quý đồng tiền … người nào trước đó đã có nền tảng tốt về đạo đức, đạo lý thì không sao (vẫn phải dè chừng thì mới duy trì), người nào chưa có nền tảng tốt về đạo đức, bản lĩnh thì đó mồ chôn sự nghiệp Môi giới vĩnh viễn (sau khi họ vụt sáng thì tắt ngóm mãi không còn thấy họ trên bản đồ thành công của Công ty nữa). 10 năm qua, hàng chục nghìn người đến làm với Công ty, quan sát, đúc kết đã thấy rất rõ những điều trên.

Cho nên Công ty cũng có những người vào làm 1 năm mới chốt vụ đầu tiên mà họ không bỏ cuộc thì bản lĩnh, kinh nghiệm, rèn rũa cái tôi, sự quan sát phấn đấu ... và khi họ thành công thì thành công lớn và bền hơn người thành công nhanh dù là bất kỳ vị trí Chuyên viên, Chuyên gia hay Trưởng phòng đều như vậy.

Và cứ như thế sự thành công càng cao thì nguy cơ cái tôi trỗi dậy càng lớn (nhưng vi tế hơn), và bất kỳ lúc nào cái tôi trỗi dậy là lúc chúng ta lại tụt lùi ... vòng luân hồi cứ như thế mãi ... và đó là lý do tại sao Đức Phật nói: Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình.

Chuyện thành côngĐộng lựcĐộng lực thay đổiPhát triển bản thân