詠春拳要法歌訣 – Vịnh Xuân Quyền Yếu Pháp Ca Quyết

Ân Đức Nhân

葉問宗師並無歌訣留下 – Diệp Vấn Tôn Sư Tịnh Vô Ca Quyết Lưu Hạ
葉問口訣 – Diệp Vấn Khẩu Quyết

• 念頭不正,終生不正
Niệm đầu bất chính, chung sinh bất chính
Nhập môn luyện Tiểu Niệm Đầu cho đúng, nếu sai sau này sẽ sai hết

• 念頭主手(一說守),尋橋主腳(與步)
Niệm đầu chủ thủ (nhất thuyết thủ), tầm kiều chủ cước (dữ bộ )
Bài Tiểu Niệm Đầu chủ luyện tay – Thủ pháp (thuyết khác nói là luyện phòng thủ), bài Tầm Kiều chủ luyện chân (đòn đá – Cước pháp) và bộ pháp (luyện bộ hình di chuyển)
• 標指不出門 (拳法)
Tiêu chỉ bất xuất môn (quyền pháp )
Bài Tiêu chỉ truyền dạy môn đồ thân tín trong môn phái
• 來留去送,甩手直衝
Lai lưu khứ tống, sủy thủ trực hành
Đối phương đến thì đón lại đi thì tiễn biệt, không theo tay địch, tay địch rời tay ta và sơ hở Trung Tâm Tuyến thì nên đánh thẳng vào đó liền tức thì.
• 撳頭扢尾,撳尾扢頭,中間(飄)膀起
Khấm đầu cột vĩ, khấm vĩ cột đầu, trung gian (phiêu ) bàng khởi
Đối phương đè phần đầu thì phần dưới nổi lên (cứu ứng), đè phần dưới thì phần đầu nổi lên (cứu ứng), ngay từ đầu ở một bên mà giữ vững Trung Tâm Tuyến
• 正身子午,側身以膊(為子午)
Chính thân Tý Ngọ, trắc thân dĩ bác (vi Tý Ngọ)
Thân thủ phải luôn ở trên Trung Tâm Tuyến là trục Tý Ngọ Tuyến, khi nghiêng thân người cũng phải luôn nhớ lấy Tý Ngọ Tuyến (Trung Tâm Tuyến) làm chuẩn trong phép công thủ
• 朝面追形,而(追形)不追手,以形補手,以手補形
Triều diện truy hình, nhi (truy hình) bất truy thủ, dĩ hình bổ thủ, dĩ thủ bổ hình
Ngay khi đối phương vừa xuất đầu lộ diện, ngay lập tức (theo sát đối phương) không theo tay, do lấy hình tư thức đối phương căn cứ mà biết được tay của đối phương, ngược lại nhờ tay đối phương mà biết được hình đối phương cử động
• 力由地起,拳由心發,手不出門(手不離午)
Lực do địa khởi, quyền do tâm phát, thủ bất xuất môn (thủ bất li ngọ)
Kình lực xuất phát từ dưới đất (nơi 2 bàn chân và bộ tấn), quyền phát từ nơi tâm ý, khi thủ nhớ không ra ngoài cửa (khi phòng thủ nhớ không xa rời trục Tý Ngọ Tuyến) – ở đây ý nói 2 tay không nên đưa xa rời ra ngoại thân và Trung Tâm Tuyến Chính Thân
• 避實擊虛 (遇實則卸,見虛即進)
Tị thực kích hư (ngộ thực tắc tá, kiến hư tức tiến)
Tránh thực mà đánh cái hư (gặp cái thực thì bỏ tránh đi, gặp cái hư thì tiến tới) – ở đây ý nói đối phương thực (mạnh) thì ta hư (tránh né), đối phương hư (yếu hơn) thì ta thực (đánh thẳng tới)
• 畏打(終)須打,貪打(終)被打。(不畏打,不貪打)
Uỷ đả (chung) tu đả, tham đả (chung) bị đả. (bất uỷ đả, bất tham đả)
Sợ đánh nhau cuối cùng cũng phải đánh nhau, thích đánh nhau cuối cùng lại bị đánh (không sợ đánh, không ham đánh) – Ở đây ý nói phải để cho tâm ý tĩnh lặng không lo lắng vào việc đánh hay không đánh đối phương
• 轉馬手先行。上馬手先行。(轉馬上馬,樁手先行)
Chuyển mã thủ tiên hành. Thượng mã thủ tiên hành. (chuyển mã thượng mã, trang thủ tiên hành)
Thay đối bộ vị và phương hướng (di chuyển bộ hình) thì tay cũng phải theo trước tiên. Tiến bộ lên thì tay cũng phải lên theo. (di chuyển mã bộ, tay cũng phải đi theo)
•留情不出手,出手不留情。(留情不打,打不留情)
Lưu tình bất xuất thủ, xuất thủ bất lưu tình. (lưu tình bất đả, đả bất lưu tình)
Đã còn lưu luyến tình cảm thì đừng ra tay đánh, hễ ra tay đánh thì không được lưu luyến tình cảm. (còn giữ tình cảm thì không đánh, hễ đánh thì không cần giữ tình cảm gì nữa)
• 不挑不格,消打同時
Bất thiêu bất cách, tiêu đả đồng thì
Không biết dẫn dụ đối phương thì chưa phải là biết võ, khi ra tay đánh thì phải đồng thời biết phép biến hóa – Ở đây ý nói trong võ thuật phải biết dẫn dụ đối phương, biết ra tay đánh người thì cũng phải biết phép biến hóa khi đối phương phản ứng lại
適用口訣 – Thích Dụng Khẩu Quyết
• 枕手橋上過,攤手中門內,伏手控外門
Chẩm thủ kiều thượng quá, than thủ trung môn nội, phục thủ khống ngoại môn
Chẩm thủ là thế chưởng vỗ xuống tay địch rồi mượn sức địch đánh trả, Than thủ là tay đưa ra chiếm Trung Môn, Phục thủ chiếm ra ngoài (Ngoại Môn) rồi tay kia còn lại đánh trả. Có thể hiểu thêm là khi gối tay (Chẩm thủ) thì tay phải luôn nằm trên Kiều Thủ của đối phương, khi tản (gạt) tay đối phương nhớ phòng thủ Trung Tâm Tuyến Nội Thân, khi đè (phục) tay đối phương phải làm chủ được bên ngoài thân – Ở đây ý nói tay của ta phải luôn nằm trên tay đối phương và phải luôn giữ điểm trọng yếu là Trung Tâm Tuyến và bao quát bên ngoài thân (tức là kiểm soát các góc độ xoay chuyển)
• 膀手不留橋,間手破中出,構手枕伏化
Bàng thủ bất lưu kiều, gian thủ phá trung xuất, cấu thủ chẩm phục hóa
Dùng Bàng thủ thì không cần giữ tay đối phương lâu, cần len tay đánh vào khoảng không gian giữa trong thân đối phương, khung tay (khuôn tay quyền) phải luôn trên tay đối phương và ẩn giấu kình lực đi khi biến hóa
• 膀手非手,錯膀非錯
Bàng thủ phi thủ, thác bàng phi thác
Khi dùng Bàng thủ chống đỡ Kiều thủ đối phương, không thể không rõ cách dùng Bàng thủ
用力三論 – Dụng Lực Tam Luận
• 捨力論-捨棄拙力
Sả lực luận – sả khí chuyết lực
Về chuyện không dùng sức (lực), phải vứt bỏ hết chuyện dùng sức (lực) vụng về
• 卸力論-卸去來力
Tá lực luận – tá khứ lai lực
Về chuyện cởi bỏ việc dùng sức (lực), phải cởi bỏ việc dùng sức (lực) chống sức (lực) đến từ đối phương
• 借力論-借用他力
Tá lực luận – tá dụng tha lực
Về chuyện mượn sức (lực), phải biết mượn sức (lực) từ bên ngoài (của đối phương) chống đỡ đối phương
中門論 – Trung Môn Luận
• 中門論-人體中門最弱,是攻擊目標,也是重點守護的地方。手由心發,上至頭頂,中為心窩,下達胯襠。老洪拳、羅漢拳、鶴拳(包括空手道),則分四門八方。 詠春則重中門內外。
Trung môn luận – nhân thể trung môn tối nhược, thị công kích mục tiêu, dã thị trọng điểm thủ hộ đích địa phương. Thủ do tâm phát, thượng chí đầu đỉnh, trung vi tâm oa, hạ đạt khóa đang. Lão Hồng quyền – La Hán quyền – Hạc quyền (bao quát không thủ đạo), tắc phân tứ môn bát phương. Vịnh Xuân tắc trọng trung môn nội ngoại.
Bàn về Trung môn – trung môn là nơi yếu nhất trên cơ thể con người, thường là mục tiêu bị tấn công nhiều, cần phải luôn phòng thủ những nơi trọng yếu. Tay ra đòn do tâm trí phát động, ở trên thì có đỉnh đầu, giữa thì là nơi quả tim, dưới thì là nơi háng đùi và huyệt Trường Cường. Các môn Lão Hồng quyền – La Hán quyền – Hạc quyền (và cả Không Thủ Đạo), lấy nguyên tắc bốn phương tám hướng. Vịnh Xuân lấy nguyên tắc Trung Môn Nội Ngoại trong phép công thủ
• 直線論-兩點之間,直線最短
Trực tuyến luận – lưỡng điểm chi gian, trực tuyến tối đoản
Bàn về Trực tuyến – có 2 điểm phân chia, thì trực tuyến là đường ngắn nhất trong phép công thủ
• 子午論-用中守中
Tý Ngọ luận – dụng trung thủ trung
Bàn về trục Tý Ngọ – áp dụng Trung (Tâm Tuyến) thì phải phòng thủ từ Trung (Tâm Tuyến).
• 失午論-身手步全論
Thất ngọ luận – thân thủ bộ toàn luận
Bàn về trục Thất Ngọ – áp dụng thân thủ toàn bộ
戰鬥法 – Chiến Đấu Pháp
• 問路尋橋手先行
Vấn lộ tầm kiều thủ tiên hành
Dò đường tìm tay (Kiều thủ) của đối phương phải dùng tay đi trước – nghĩa là khi mới vào trận chưa tấn công được đối phương thì nên tìm cách bắc cầu (tầm kiều) với một vài bộ phận trên cơ thể đối phương bằng cách dụ đối phương chạm tay với ta
• 手黐手,無訂(地方)走
Thủ li thủ, vô đính (địa phương) tẩu
Dùng phép dính tay để bám sát đối phương, không để đối phương chạy thoát
• 用巧勁,避拙力-即借力
Dụng xảo kình, tị chuyết lực – tức tá lực
Dùng Kình khéo léo, tránh dùng Lực vụng về (Chuyết Lực) – tức là mượn (Tá 借) lực đối phương khi thực hiện phép Li Thủ
• 迫步追形
Bách bộ truy hình
Trong vòng 100 bước phải theo sát (truy bức) đối phương – nghĩa là không cho đối phương một giây cơ hội phản công hồi kích hay bỏ chạy thoát khi thực hiện phép Li Thủ
勁法 – Kình Pháp
• 捨拙力 – 捨棄不必要之力量
Sả chuyết lực – sả khí bất tất yếu chi lực lường
Bỏ hết lực vụng về – bỏ hết không còn gì tức không cần dùng đến lực (sức mạnh) do thể xác – ở đây có nghĩa là không dùng sức mạnh bề ngoài của kẻ bì phu (cơ bắp)
• 卸來力 – 卸減他人來攻的力量
Tá lai lực – tá giảm tha nhân lai công đích lực lường
Mượn lực đến từ bên ngoài – mượn lực của người bên ngoài (đối phương, ngoại nhân) mới chính là biết dùng sức lực
• 借他力 – 來留去送
Tá tha lực – lai lưu khứ tống
Phải mượn sức từ bên ngoài của địch nhân – đến thì đón đi thì tiễn biệt – ở đây nghĩa là không nên dùng sức đánh ngoại nhân mà nên dùng sức đối phương đánh lại đối phương cho nên đến thì đón (nương theo sức đối phương mà kéo) mà đi thì tiễn (mượn sức đối phương hồi về mà trả lại).
• 施巧勁 – 甩手直衝
Thi xảo kình – sủy thủ trực hành
Nên thực hiện kình khéo léo – buông lỏng đôi tay giống như ném thẳng ra khi phát kình (không theo tay địch, không dùng chuyết lực kháng lại sức địch)

少林詠春拳 要法 Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền Yếu Pháp

1.拳不離心
Quyền bất ly tâm
2 tay quyền luôn nằm tại Trung Tâm Tuyến 中心線 (Tý Ngọ Tuyến 子午線)
2.足不離地
Túc bất ly địa
2 chân không rời đất
3.速度制拙力– 角度制速度
Tốc độ chế chuyết lực – Giác độ chế tốc độ
Lấy nhanh nhẹn chống lại sức mạnh – lấy góc độ chống lại sự nhanh nhẹn (đổi trục, đổi góc)
4.借力論-借用他力 – 破力不运力
Tá lực luận – tá dụng tha lực – phá lực bất vận lực
Về chuyện mượn sức (lực), phải biết mượn sức (lực) từ bên ngoài (của đối phương) chống đỡ đối phương – nghĩa là phá sức bất vận sức (buông lỏng)
5.捨力論-捨棄拙力- 的力量
Sả lực luận – sả khí chuyết lực – đích lực lường
Không vận sức (không dùng chuyết lực: lực vụng về) mới vận sức tận lực (phát kình發勁)
6.简異制複杂 – 自然破詞章
Giản dị chế phức tạp – Tự nhiên phá tự chương
Sự đơn giản là bí quyết chế ngự sự phức tạp – vô chiêu thắng hữu chiêu, nghĩa là thuận theo thế tự nhiên
7.直路制橫直 -橫直制直路
Trực lộ chế hoành lộ – hoành lộ chế trực lộ
Đường thẳng chế đường cong – đường cong chế đường thẳng
8.來留去送 (來迎去送)
Lai lưu khứ tống (Lai nghinh khứ tống)
Đến thì đón, đi thì tiễn biệt
9.问手護手(护手)不分別
Vấn thủ Hộ thủ bất phân biệt (trong Vấn có Hộ)
Công thủ là một (trong phép Thủ có phép Công)
10. 無手不歸
Vô thủ bất qui
Dùng đường tròn hóa kình thì quyền pháp lưu loát liên tục không cần rút tay về (hồi qui)
11.脱手直衝
Thoát thủ trực xung
Dùng đường thẳng khi xuất quyền tấn kích đối phương thật cấp kỳ sau khi thoát kiều

Phép dính tay (chisao) của Vịnh Xuân Phái

Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về “Phép dính tay (Chisao) của môn Vịnh Xuân Thiếu Lâm Phật Sơn”, do Lý Tiểu Long viết, được đăng trên tại Tạp chí võ thuật “Black Belt”, năm 1969.

“Chi sao”:thuật dính tay là phương pháp độc đáo để tập luyện của phái Vịnh Xuân, môn võ Nam phái, do ông Diệp Vấn là Chưởng môn. Sự thực có nhiều cách để tập đánh tay “chi sao”. Có cách để lấy kỹ thuật sắc bén, có cách để lấy thủ pháp đúng của môn Vịnh Xuân. Có người coi “chi sao” như một cách luyện cho sức khỏe, có người học để lấy bén nhậy (linh tay) về xúc giác (linh giác). “Chi sao” là tất cả cái đó và hơn thế nữa. Đây là ý riêng của tôi hiểu về “chi sao”.
Trong những năm tôi dạy “chi sao”, tôi coi nó như là một cách tập về vừa thế, vừa thân, nhấn mạnh về khí liên tục (Constant energy flow). Khí liên tục không được nói tới trong phép “chi sao” của Vịnh Xuân. Tôi phải nhấn mạnh ở đây là vì tôi dạy dùng khí liên tục là để giúp cho có hiệu lực hơn là ứng dụng được, không phải coi như một sức huyền bí bên trong nào đó như nhiều ông thày muốn cho trò tưởng.
Để cho dễ hiểu, chúng ta hãy thử tưởng tượng rằng “A” có một dòng nước trắng chảy ra từ cánh tay, trong khi “B” có một dòng nước đen cũng chảy ra hòa với dòng nước của “A”. Hễ cả “A” và “B” cùng cho dòng nước chảy ra, khi hai dòng đó không lấn vào nhau. Với khí liên tục đó, tất cả các động tác đều thấm nhuần những động tác tâm lý. Nếu có ai ép vào cánh tay một người có khí đó, người ấy sẽ cảm thấy một luồng khí bắt vào. Không phải là một sức dật lên để chống lại, mà cảm giác ấn vào một dòng nước phun mạnh. Cánh tay ấy nó sung sức, sống động, có ý hướng và đều đặn, nói cách khác, rất thích nghi cho việc phải làm. Nhìn hình “A”, nếu dòng nước đen ngòm một sát na thì dòng nước trắng sẽ lấn được ngay. Tựa như luồng khí này chảy tới một tảng đá và lùa vào các khe, các góc của nó.

Trong võ Vịnh Xuân, có tập một tay và hai tay bằng cách xoắn tay nhịp nhàng ấy, người tập luyện lấy khí lực. Người tập phải giữ cho liên tục và tràn vào mọi khe hở có thể được trong lúc xoay chuyển. Càng tập lâu thì lực càng tinh vi và càng len vào các khe nhỏ được. Muốn tập “chi sao” phải có một ông thầy lành nghề, dần dắt từng bước vào tiếp cho người học trò cái khí lực thích nghi, giống như một cái máy phát điện vào bình điện. Với người mới tập “chi sao” có thể thành một trận đấu giật giật, vật lên vật xuống, đánh sang tả sang hữu. Tay như thế không những trở ngại cho sự hiểu biết, mà còn đưa đến chỗ bị phản công ngay nếu gặp đối thủ sắc sảo. Khí lực đưa ở tay ra “đúng” thì giống như nước chảy qua một ống nước. Nếu nước cứ tắt lại mở, lại tắt lại mở (gián đoạn) thì các ống nước sẽ giật. Từ cái thế “chi sao” người tập cố đánh trúng nhau. Với dồn khí, kẻ đó sẽ “hóa giải” sức đối phương, giống như một con thuyền dập dềnh lướt sóng, để mượn sức địch mà bổ sung cho đòn trả. Quan niệm như thế thì hai tay người thực sự là hai phần nửa của một thế.
Trừ trường hợp các thế một tay, tất cả các thế “chi sao” khác đều theo phép khuỷu tay ở trong. Thế này quan trọng trong quyền Vịnh Xuân vì nó như một cái đệm, hoặc là một sức phụ, để gạt, nếu cổ tay không kịp nhận ra đối phương tăng thêm thành công lực. “ Khuỷu tay ở trong” là nhãn hiệu của môn Vịnh Xuân. Khuỷu tay là điểm bất động không phải là điểm chết. Trong khi cẳng tay và bàn tay thì mềm dẻo khi thay đổi thế khác. Vì thế, hai tay trong phép “chi sao” phải mềm nhưng không lún, mạnh mẽ cương quyết không cứng rắn.
Người ta có thể xếp Vịnh Xuân vào loai nhu quyền, tuy tôi không tin như vậy. Dù sao, so với các nhu quyền khác thì Vịnh Xuân tích kiệm động tác hơn. Tất cả các thủ pháp dùng trong “chi sao” làm cho nó có rất nhiều cách dùng. Lúc tấn công, Vịnh Xuân dùng sức thắng đánh về phía trước. Lúc thủ, Vịnh Xuân dùng đòn gạt cong và cũng dùng đòn thẳng để lấn. Người đánh quyền Vịnh Xuân giữ hạnh tâm để cho đối phương chuyển xung quanh. Người ấy cũng được tập tránh các động tác thừa, chỉ đánh thẳng từ giữa ra và vừa đủ từ ngoài vào với trung tâm giữ kín bằng khuỷu tay.
Cách tập tay của Vịnh Xuân với luyện khí, cũng góp vào luyện tập toàn thể cho võ sĩ, nhưng không nên coi là toàn bị, mà chỉ là phương tiện đi đến mục đích. Có người tập tưởng lầm rằng đánh tay “chi sao” là một phương pháp đánh. Không phải vậy đó chỉ là môt cách tập dẫn dắt tới một lối riêng, nghĩa là tới các chiêu thức đúng của Vịnh Xuân. Sự nghiên cứu đường và góc nhọn và nhất là sự luyện dùng đòn khí công.

Nguồn: Vĩnh Xuân Nội Gia
Tác giả: Lý Tiểu Long (Bruce Lee)
Người dịch: Giáo sư Trần Văn Từ
Người hiệu đính: Võ sư Hồ Hải Long

Vĩnh Xuân Việt Nam: Những điều suy nghĩ

Như có cơ duyên, tạp chí Ngày Nay có rất nhiều bài viết về môn phái Vĩnh Xuân ở những góc độ khác nhau, của người trong môn, của người ngoài môn. Là một người trong môn phái Vĩnh Xuân, tôi rất trân trọng tạp chí Ngày Nay trước những gì mà tạp chí đã giành cho môn phái Vĩnh Xuân.
Trong số Tết Ất Dậu (No. 2 + 3 + 4, từ 15/1 – 30/2/2005) tạp chí Ngày Nay đã đăng tải một số bài viết về môn Vĩnh Xuân, trong đó đã mạnh dạn đưa ra hình ảnh “thực trạng và những vấn đề tiềm ẩn” của môn Vĩnh Xuân Việt Nam dưới góc nhìn của tác giả Nguyễn Giang. Là một võ sư của môn phái Vĩnh Xuân, tôi thấy cũng cần đưa ra một số ý kiến trên những vấn đề “thực trạng” và “tiềm ẩn” mà tạp chí Ngày Nay đề cập đến. Tất nhiên, đây hoàn tòan là những suy nghĩ cá nhân, song trên góc độ là một người có tâm huyết với môn phái.
Về tên gọi và lịch sử môn phái
Tôi nghĩ đã đến lúc, không nên tranh luận nhiều về tên gọi. Ai đã gọi là Vĩnh Xuân hãy cứ tiếp tục gọi là Vĩnh Xuân, ai đã gọi là Vịnh Xuân hãy cứ tiếp tục gọi là Vịnh Xuân. Sư phụ của ta gọi sao, ta hãy gọi đúng như vậy. Tất cả đều có lý của mình. Dù gọi là Vĩnh Xuân hay Vịnh Xuân thì đây đều là trong môn phái do sư tổ sáng lập là Ngũ Mai Sư Bá. Có như vậy, chúng ta mới không thấy xa nhau vì một tương lai của môn phái do Sư tổ Ngũ Mai Sư Bá sáng lập.
Cho đến nay, về cơ bản chúng ta chưa có những tư liệu xác thực về lịch sử môn phái, mà hầu hết là các truyền thuyết. Một thực tế khó phủ nhận là những điều kể lại bị phụ thuộc rất nhiều vào người kể tại thời điểm kể lại như: sự ghi nhớ trước đây khi được nghe kể; tư duy kể lại; khả năng diễn đạt. sức khỏe lúc kể, v.v và v.v. Tôi chắc rằng không ai dám khẳng định sự truyền lại là 100% những điều đã được nghe (chỉ có thể nói là “cơ bản như vậy”). Do đó, các nhánh đã đưa ra các phả hệ theo góc độ của nhánh mình, tôi nghĩ chúng ta cùng nên tôn trọng. Ngay như thời điểm Sư tổ Nguyễn Tế Công sang Việt Nam (là thời điểm gần ta nhất) cũng có những tư liệu khác nhau. Người cho là từ 1907, người cho là 1939. Ai đúng ai sai đây ? Cơ sở đánh giá ở đâu? Nhân đây tôi cũng xin nói lại một tìm hiểu về Sư tổ Nguyễn Tế Công của một người có nhiều nghiên cứu về võ học, đã từng làm công tác phụ trách về võ thuật, đã được học nhiều môn võ, trong đó có hơn một năm học sư phụ tôi (Cố võ sư Trần Thúc Tiển). Tuy nhiên việc học sư phụ tôi chỉ là tìm hiểu, nghiên cứu. Tóm tắt tìm hiểu về Sư tổ Nguyễn Tế Công như sau: Vào những năm 1930, Sư tổ Nguyễn Tế Công là người rất giỏi võ ở Trung Quốc. Lúc này Người (Sư tổ Nguyễn Tế Công) ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Năm 1937, người Nhật chiếm đóng vùng Đông Bắc Trung Quốc, biết được Sư tổ Nguyễn Tế Công là người giỏi võ, đã cho mật vụ đến bắt. Hay tin, Người đã bỏ trốn xuống phía Nam (Phật Sơn – Trung Quốc). Một thời gian sau, người Nhật dò ra tung tích của Người, lại cho người đến bắt. Người buộc phải rời Phật Sơn và đi sang Việt Nam lánh nạn cuối năm 1939. Và Người ở Việt Nam, truyền thụ võ công cho đến lúc quy tiên (năm 1959). Nếu tìm hiểu này là đúng, thì đúng như sư phụ tôi truyền lại, cuối năm 1939, Sư tổ Nguyễn Tế Công mới sang Việt Nam.
Ngay như việc gọi thứ tự các đời cũng chưa thống nhất. Nếu tính từ Sư tổ Ngũ Mai Sư Bá là đời thứ nhất thì đến Sư tổ Nguyễn Tế Công là đời thứ 6. Nếu tính từ Sư tổ Nghiêm Vĩnh Xuân là đời thứ nhất thì Sư tổ Nguyễn Tế Công là đời thứ 5. Cách gọi này phụ thuộc vào việc định đời đầu tiên từ đầu. Tất nhiên việc này không khó, song cũng phải có sự thống nhất chung. Nếu cứ tranh luận mà không ai đưa ra được cứ liệu chính xác, đảm bảo sự tin cậy thì sẽ không có hồi kết. Chúng ta phải cùng nhau thấy rằng: Sư tổ Nguyễn Tế Công là Sư tổ Vĩnh Xuân Việt Nam. Nhờ có Người mà trong kho tàng võ học Việt Nam có được môn võ quý: môn Vĩnh Xuân.
Hiện tại Vĩnh Xuân Việt Nam, theo tôi biết, có các chi nhánh:

  • Ở Hà Nội có các chi nhánh: chi nhánh của sư phụ tôi (cố võ sư Trần Thúc Tiển); chi nhánh của cố võ sư Trần Văn Phùng và chi nhánh của cố võ sư Ngô Sỹ Quí. Các cố võ sư đều là học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công.
  • Ở Hải Dương có chi nhánh của cố võ sư Vũ Bá Quý. Cố võ sư Vũ Bá Quý cũng một thời là học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công, song hiện nay, chi nhánh của cố võ sư Vũ Bá Quý không lấy tên Vĩnh Xuân (hay Vịnh Xuân) mà lấy tên là “Vũ Gia Thân Pháp”.
  • Ở TP Hồ Chí Minh có chi nhánh của võ sư Nam Anh (võ sư Nam Anh cho biết học Vĩnh Xuân từ cố võ sư Hồ Hải Long, một học trò của Sư tổ Nguyễn Tế Công, và học từ Nguyên Minh Đại Sư)…

Các chi nhánh này cũng đã và đang phát triển, hình thành các thế hệ dậy và học tiếp theo.
Về Hệ thống Quyền thuật
Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi được biết hiện nay cơ bản có những hệ thống quyền thuật chính như sau:

  • Ở Trung Quốc và Hồng Kông: hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân có các bài quyền Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều, Tiêu Chỉ, Mộc Nhân Thung và 2 bài binh khí (Lục Điểm Bán Côn và Bát Trảm Đao). Ngoài ra còn có những phương pháp tập luyện khác nữa. Tôi cũng được biết ở Trung Quốc các nhánh cũng có sự khác nhau một phần về nội dung trong các bài quyền. Song về cơ bản như tôi đã trình bày ở trên.
  • Ở Việt Nam có những hệ thống quyền thuật như sau:

- Chi nhánh của sư phụ tôi gồm các bài: Thủ Đầu Quyền, Ngũ Hình Quyền (có 6 bài gồm 5 bài của 5 hình là Long – Xà – Hổ – Báo – Hạc và một bài Ngũ Hình Tổng Hợp), các bài 108 (bài 108 tại chỗ, bài 108 tiến lùi, bài 108 mộc nhân), bài Khí Công Vĩnh Xuân Quyền, hai bài binh khí (Lục Điểm Bán Côn và Song Đao).
- Chi nhánh của cố võ sư Ngô Sỹ Quý, về cơ bản cũng giống chi nhánh của sư phụ tôi. Cũng gồm các bài: Thủ Đầu Quyền, Ngũ Hình Quyền Tổng hợp, Long Quyền, Xà Quyền, Hổ Quyền, Báo Quyền, Hạc Quyền, Nhất Linh Bát (hay Một linh Tám) và một bài Mộc Nhân Thung. Trong binh khí có hai bài: Bát Trảm Đao và Lục Điểm Bán Côn.
(theo http://www.vinhxuan.com2.info).
- Chi nhánh của cố võ sư Trần Văn Phùng và cố võ sư Vũ Bá Quý, do tôi chưa tìm hiểu được nên chưa được rõ hệ thống quyền thuật của hai chi nhánh này.
- Hệ thống quyền thuật của “Võ đường Thiếu Lâm Vịnh Xuân Nam Anh Kung fu” bao gồm các bài Tiểu Hình Ý, Tiểu Mai Hoa, Đại Mai Hoa, Ngũ Hình Quyền, Ngũ Hình Tổng Hợp, hệ thống 108 mộc nhân, binh khí có Lục Điểm Bán Côn, Bát Trảm Đao (hệ thống theo bài viết của võ sư Nam Chính Trực trên tạp chí Ngôi Sao Võ Thuật No. 4/2002)
Trên đây là hệ thống quyền thuật cơ bản của một số chi nhánh Vĩnh Xuân Việt Nam. Ngoài ra các chi nhánh đều có những phương pháp tập luyện khác, thậm chí có những phương pháp có tính bí truyền (như phương pháp tập nội công).
Như vậy ta thấy có những sự khác biệt (một phần) giữa các hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân. Sự khác nhau, tôi nghĩ đó là điều tất yếu trong quá trình truyền bá võ công. Nguyên nhân sâu xa là ở người truyền thụ. Đó là: do mức độ được truyền dậy, do khả năng tiếp thu, do khả năng nhớ và truyền thụ, do sự giác ngộ, do thiên hướng, do mục đích, do hòan cảnh .v.v. Tất cả đều rất đáng tôn trọng. Tuy nhiên, trước hết, mỗi môn đồ phải biết tôn trọng những gì mà sư phụ mình đã truyền lại cho mình. Và bằng tấm lòng với môn phái, với sư phụ, hãy luyện tập thật tốt những gì đã được sư phụ truyền dạy. Sau đó, khi đã thuần thục, có thể được, thì tìm hiểu công phu của các nhánh khác. Điều quan trọng là phải biết đó là của nhánh nào, và đến với tinh thần học tập: Tránh việc coi công pháp và kỹ thuật của nhánh khác lấy làm của mình. Tôi nghĩ như thế sẽ tốt hơn, sẽ rõ ràng hơn, và thể hiện sự tôn trọng sư phụ mình, tôn trọng các nhánh khác trong môn phái.
Về Sự Phát triển hệ thống quyền thuật
Mọi sản phẩm, nhất là sản phẩm trí tuệ đều không ngừng được hòan thiện. Qua thời gian, mọi sự sửa đổi đúng đều được tồn tại, mọi sự sửa đổi sai đều bị đào thải.
Qua tìm hiểu, tôi thấy môn Vĩnh Xuân được hoàn thiện rất cơ bản qua các sư tổ ở Hồng Thuyền. Bản chất của môn Vĩnh Xuân là cận chiến, là nội gia – nhu quyền. Do đó, đòn thế đòi hỏi rất khuôn phép và có những quy tắc (yếu quyết) rõ ràng. Mọi sự “sáng tạo’, phát triển không tuân thủ bản chất quyền thuật của môn phái đều sẽ làm hỏng đi hình ảnh về môn phái. Tôi đồng ý với suy nghĩ của tác giả Nguyễn Giang viết trong Tạp chí Ngày Nay số Xuân Ất Dậu 2005, trong bài “100 năm sau: thực trạng và những vấn đề tiềm ẩn” “sáng tạo, đặc biệt là trong võ thuật, nếu không phải là từ sự chiêm nghiệm, tâm huyết của một võ sư đã đạt tới trình độ cao thâm nhất định, đôi khi còn có hại”. Tôi muốn bổ sung thêm cái hại mà tôi cho là lớn nhất, đó là làm mất dần đi bản chất quyền thuật của môn phái, làm cho mọi người không còn thấy những gì là tinh túy võ thuật của môn phái Vĩnh Xuân.
Trong thực tế hiện nay, tôi tin rằng bản chất của quyền thuật Vĩnh Xuân sẽ không mất dần. Hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân cũng không bị “dần rơi vãi”. Tất nhiên, trong hòan cảnh xã hội hiện tại, cuộc sống kinh tế thị trường như cơn lốc lôi cuốn con người, liệu có bao người dám ra khỏi cơn lốc kinh tế, để bình tâm tĩnh trí mà theo đuổi môn phái và đi đến cùng với môn phái ? Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng môn phái Vĩnh Xuân sẽ vẫn luôn giữ được bản sắc của môn phái như đã có từ hàng trăm năm qua. Cũng như mùa Xuân, không bao giờ mất đi bản chất của mùa Xuân, không bao giờ mà không có sự đâm chồi, nẩy lộc, sinh trưởng tươi đẹp và đầy sự quyến rũ.
Thay cho lời kết
Một số người lo có những trận “thư hùng” trong môn phái để khẳng định sự hơn hẳn giữa chi nhánh này với chi nhánh khác, tôi nghĩ rằng đây là sự lo quá xa. Tất nhiên, trong cuộc sống, trong một tổ chức, trong một môn phái, không phải không có những con người không tốt lành. Song đó chỉ là số ít, số rất ít. Không một ông thầy võ nào không đòi hỏi người trò phải có võ đức. Chính sự đòi hỏi này buộc người thầy càng phải nêu cao võ đức của chính người thầy. Võ đức, nhất lại là võ đức của Vĩnh Xuân Phật Gia càng không thể để xẩy ra những trận “thư hùng” chỉ vì cao thấp trong môn phái. “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị”, “núi này cao, còn có núi khác cao hơn”, “giữ được mình tức là thắng được người”…Con nhà võ, mấy ai không hiểu những điều này. Tôi tin rằng những môn đồ Vĩnh Xuân Phật Gia sẽ luôn vì sự trong sáng của môn phái, gạt bỏ những sự khác biệt tất yếu, đoàn kết cùng nhau xây dựng môn phái, góp phần phát triển môn phái vững mạnh, xứng đáng với sự ngưỡng mộ của nhứng người hâm mộ môn Vĩnh Xuân trong nước và trên thế giới. Nếu cần thiết phải tìm ra người đứng đầu môn phái Vĩnh Xuân Việt Nam (như Chủ tịch Hội Vĩnh Xuân Việt Nam) sẽ có nhiều cách, nhiều hình thức để chúng ta tìm ra người xứng đáng với sự tin cậy của mọi môn đồ Vĩnh Xuân Việt Nam. Và người đó phải biết vì lòng tin của các môn đồ mà làm tròn trách nhiệm được giao. Cùng nhau xây dựng, phát triển môn phái Vĩnh Xuân mãi tươi đẹp, quyến rũ và tràn đầy sinh lực như mùa Xuân.
Tác giả: Kỹ Sư – Võ sư Nguyễn Ngọc Nội
Nguồn: Tạp chí Ngày Nay số 13/2005, 1-15/7/2005 với đầu đề “Quyến rũ Vĩnh Xuân quyền”

Giới thiệu Vịnh Xuân Kung Fu Nam Anh

Võ sư Nam Anh luyện đại đao


Võ sư Nam Anh luyện đại đaoVịnh Xuân Kung Fu Nam Anh, được sáng lập bởi võ sư Nam Anh. Ông học võ Vịnh Xuân (Vĩnh Xuân) của cố võ sư Hồ Hải Long (một học trò của Đại sư Nguyễn Tế Công), theo một số tài liệu thì nghe nói sau này ông có thụ giáo thêm với Đại sư Nguyên Minh (Hoàng Tường Phong), cũng là một cao đồ của môn Vịnh Xuân. Ngoài ra ông còn thụ giáo với nhiều danh sư của các môn phái khác như Thiếu Lâm, Võ Đang, và Bạch Mi. Năm 1986, ông đã thành lập ra Liên đoàn Quốc tế Vịnh Xuân Chính thống Phái tại Quebec, Canada. Hiện nay ông đang giữ cương vị là chủ tịch của Liên đoàn này. Xin được giới thiệu dưới đây một số thông tin về tiểu sử của võ sư Nam Anh và hai người thầy đã truyền thụ Vịnh Xuân cho ông.
Đại sư Nguyên MinhÐại Sư Nguyên Minh thuộc dòng dõi họ Hoàng Hoa, sinh năm 1884 tại Phúc Kiến và là điệt tôn của Danh Sư Hoàng Hoa Bảo. Sinh thời vốn thể chất yếu đuối lại không ăn được thịt cá, dù chỉ một miếng nhỏ cũng làm ông nôn ọe. Mẫu thân ông rất lo lắng nên tìm đến một vị Thầy nổi tiếng giỏi Nhâm cầm độn toán trong vùng để xin tiên đoán vận mệnh cho cậu bé. Tuy không tiết lộ những lời tiên tri của vị Thầy nhưng bà quyết định không chút đắn đo, lặn lội đường xa đưa con trai mình phó thác tại Kim Cương Tự. Năm 6 tuổi ông thọ giới trường trai (chay trường) và được Ðại Sư Viên Hạnh thu nhận làm đệ tử và ban cho pháp danh là Nguyên Minh (tức có được Tuệ căn).
Sau 18 năm chuyên cần khổ luyện theo đường lối chân truyền, một sáng mùa thu năm 1908, Phương Trượng cho gọi ông đến và bảo:
- Này con, đã đến lúc con phải hạ sơn để giúp đời vì hiện nay đất nước đang lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng. Chẳng bao lâu nữa, Thanh triều sẽ bị diệt vong, Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh cực kỳ hỗn loạn, vì thế Tổ Quốc sẽ rất cần đến tất cả những người con thân yêu… Con hãy thuận theo duyên nghiệp mà chu toàn xứng đáng bổn phận của một trang nam tử hán thời loạn. Con khá khắc cốt ghi tâm là phải tu thân thì mới tề gia, trị quốc được, đó chính là con đường Tâm đạo. Thôi đừng lưu luyến nữa, cư dân vùng Hoàng Hà sẽ trông nhờ nơi con!
Năm 1912, tức 1 năm sau khi nhà Thanh sụp đổ, ông tình nguyện tham gia vào quân ngũ như bao thanh niên yêu nước thời đại. Từ 1937 đến 1945, ông là một trong những vị lãnh đạo mang cấp tướng của liên minh kháng chiến chống Nhật giải phóng đất nước. Cũng trong thời kỳ ấy, ông đảm trách công tác cứu hộ và cứu tế các nạn nhân bị thiên tai lũ lụt vùng châu thổ sông Hoàng Hà, nhờ vậy hàng chục vạn sinh mạng đã được cứu sống.
Tháng 9 năm 1945, ông dẫn đầu Ðệ Bát lộ quân của Tướng Lư Hán tiến về Việt Nam giải giới hàng quân Nhật, kết thúc một cuộc chiến đẫm máu tại Ðông Nam Á.
Suốt 38 năm binh nghiệp, ông nổi tiếng là một vị chỉ huy tài ba với lòng nhân hậu và trí thông minh phi thường. Rời quân ngũ năm 1949, ông quyết định sinh sống tại Việt Nam và lấy tên mới là Hoàng Tường Phong (ngọn gió vàng tốt lành).
Năm 1985, vị Ðại Sư trên trăm tuổi (101) rời Việt Nam đến Trung Quốc Ðài Bắc (Ðài Loan) và ẩn tu tại một ngôi cổ tự vùng Nhật Nguyệt Hồ.

Cố võ sư Hồ Hải Long (1917-1988)


Cố võ sư Hồ Hải Long (1917-1988)Quyền Sư Hồ Hải Long:
Phỏng theo tác phẩm VÕ ĐANG BÁT BẢO QUYỀN của Tác giả Nam Anh xuất bản tại Saigon -1972
Quyền sư Hồ Hải Long (tên thật là Nguyễn Duy Hải) sinh năm 1917 tại Ninh Bình (Bắc Bộ Việt Nam), thuộc dòng dõi “Tướng tướng thế gia” và là hậu duệ của Phó Vệ Úy tướng quân Nguyễn Hữu Khôi (tức Lê Văn Khôi) viên dũng tướng tay không đánh chết hổ khiến xứ thần Xiêm La phải khiếp phục. Thuở nhỏ tuy gầy ốm nhưng có sức mạnh phi thường và tánh nóng như lửa nên chú ruột của người là Thạch Nam tiên sinh, chưởng môn phái Hàn Bái, không chịu truyền dạy cho võ nghệ. Nhưng với năng khiếu sẵn có, người chỉ nhìn trộm mà thuộc lòng bài Ngũ Lộ Mai Hoa Quyền là bài quyền sở đắc của cụ Hàn và do chuyên cần luyện tập nên trong một dịp cụ Đắc vắng nhà, người đã hàng phục hết các môn sinh chân truyền của thúc phụ. Do đó cụ Thạch Nam đã cho gọi đến và bắt đầu truyền dạy tất cả sở học cho người.
Mười năm sau, vào năm 1941 người đã có cơ duyên gặp được Đại Sư Nguyễn Tế Công tại Hà Nội, lúc ấy người đã là một lực sĩ đồng thời là một cao thủ võ thuật được mệnh danh là Hải Nhật, thấy vị thầy Tàu già yếu, được gia đình mời về dạy võ, người ngạo nghễ ưỡn ngực thách thức “Ông có chịu nổi quả thôi sơn này hay không?”
Chỉ tay vào lồng ngực gầy gò của mình, Đại Sư Tế Công ra dấu sẵn sàng chịu ba quả đấm của Hải Nhật. Bị xem thường và xúc phạm, người tung ngay một cú đấm sấm sét nhưng bị chận đứng bởi một bức tường đồng vách sắt mà thật ra chỉ là tấm thân ốm yếu của ông lão.
Điên tiết, người lao vào và kết quả là bị bắn văng vào gụ thờ, nằm sõng soài dưới đống đồ đạc đổ lỏng chỏng mà vẫn chưa hết bàng hoàng.
Sự việc này thật ấn tượng đối với chàng thanh niên Hải Nhật và đã đánh dấu một khúc quanh trên con đường luyện tập võ nghệ của người dưới sự chỉ dạy của Đại Sư Nguyễn Tế Công. Vào năm 1947, người đã oanh liệt đoạt giải vô địch kiếm thuật mười tỉnh đất Bắc (tại chợ Me Vĩnh Yên) và biệt danh “Hồ Hải Long” đã xuất hiện từ đấy.
Vừa kịp thụ đắc quyền danh trấn võ môn Vịnh Xuân Ngũ Hình Khí Công thì chẳng may hành động cách mạng bị bại lộ (người vốn là một nhà yêu nước chân chính trong thời kỳ cách mạng V.N. 1945-1975) nên người bị thực dân Pháp bắt cầm tù 5 năm tại bãi biển Đồ Sơn.
Tuy vậy, từ đó tham thiền suy tưởng tự luyện môn khí công nên quyền pháp biến hóa không chiêu thế, chưởng pháp dũng mãnh gọn gàng, khi vận khí người có thể chịu đựng được hàng trăm quả đấm. Người thường nói: “Trong chiến đấu mà tính trước đòn thế thì chắc chắn sẽ thảm bại”.
Về hoạt động cách mạng, người đã từng sát cánh chiến đấu bên các bậc danh nhân chí sĩ yêu nước nhưng chỉ kín đáo giữ một nhiệm vụ khiêm tốn là giáo viên dạy về Luân Lý tại một ngôi trường nhỏ.
Về phương diện Võ thuật, quyền sư Hồ Hải Long là bạn chí thân của cố Võ sư Nguyễn Lộc là người sáng lập Việt Võ Đạo và võ sư vô địch quyền Anh Nguyễn Quỳnh, người sáng lập môn Tinh Hoa Thuật.
Năm 1969, Đại Sư Nam Anh đã may mắn được gặp Thầy Hồ Hải Long. Cảm phục hình ảnh chàng trai tiền chiến, sáng chiến khu Tuyên Quang, chiều biên giới Lào-Việt, đời sương gió chấm phá bằng đôi mắt giai nhân sóng sánh men rượu và xúc động trước tâm huyết phục vụ đất nước và nhân dân của một nhà cách mạng chân chính, Đại Sư Nam Anh đã tự nguyện đứng sau lưng người để hoàn thành hoài bão cao đẹp.
Quyền sư Hồ Hải Long mất năm 1988, thọ 71 tuổi. Lúc ấy, Đại Sư Nam Anh đang ở nước ngoài và khi trở về Việt Nam năm 1992, Đại Sư đã đến thắp nén hương kính viếng người lần cuối.

Võ sư Nam Anh (ảnh chụp năm 1979)


Võ sư Nam Anh (ảnh chụp năm 1979)Trưởng môn Nam Anh Vịnh Xuân
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống võ thuật lâu đời, Đại Sư Nam Anh đã được ông ngoại truyền thụ võ công Thiếu Lâm Tự ngay từ thuở ấu thơ. Đến năm 1959, ông được vinh dự trở thành hội viên của Tinh Võ Hội (vốn là một tổ chức quốc tế về võ thuật và tiêu chí để kết nạp vào hội viên rất chọn lọc) và theo học môn Võ Đang dưới sự huấn luyện của Đại Sư Quan Thế Minh. Năm 1967, ông có cơ duyên gặp được đạo sĩ Trương Tòng Phú, vốn là Đại Sư chưởng môn phái Võ Đang nên ông đã quyết định theo Thầy lên núi tu luyện suốt 3 năm ròng
Hạ sơn năm 1969 và từ đó đến năm 1975, ông theo học môn Vịnh Xuân với võ sư Hồ Hải Long (tên thật là Nguyễn Duy Hải), một trong số các truyền nhân của Đại sư Nguyễn Tế Công. Trong khoảng thời gian ấy, cùng với võ sư Hồ Hải Long, ông đã sáng lập nên bộ môn Thần Khí Đạo với tinh hoa đặt nặng trên Khí và Thần.
Sau năm 1975, một hoàn cảnh đặc biệt đã khiến ông gặp gỡ Đại Sư Hạng Văn Giai tại trại học tập cải tạo Chí Hòa. Cùng trong cảnh ngộ là trại viên diện chính trị, giữa hai người đã nảy sinh một mối thâm giao. Suốt trong thời gian từ 1975 đến 1977, ngoài giờ học tập lao động, Đại Sư Hạng Văn Giai đã tâm truyền cho ông sở học thâm sâu về các ngành học thuật Đông Phương như Phong Thủy, Tướng Pháp và Tử Vi Đẩu Số. Sau khi mãn hạn học tập, ông đã quyết chí lặn lội tìm kiếm tung tích của Đại sư Nguyên Minh theo lời gửi gắm của Đại Sư Hạng Văn Giai. Sau khi đã gặp và vượt qua nhiều thử thách, ông đã được Đại Sư Nguyên Minh nhận làm đệ tử thân tín và dốc lòng truyền dạy cho ông để kiện toàn hết trình độ cao đẳng và siêu đẳng của Vịnh Xuân (từ năm 1977 đến năm 1983).
Sau hơn 30 năm khổ luyện, Đại Sư Nam Anh đã được Đại Sư Nguyên Minh, đại diện ủy quyền của Kim Cương Tự, chính thức sắc phong Chu Sa Đai đệ cửu đẳng và được chỉ định làm chưởng môn đời thứ 6 Vịnh Xuân Chính Thống Phái tại Việt Nam. Sự lựa chọn này chủ yếu xét đến kiến văn, trình độ văn hóa và khả năng vận dụng trong xã hội đương đại.
Trong năm 1978, ông cũng gặp lại Đại Sư Lưu Đại Phong, tức Lục Bình Đạo Nhân, vốn là sư đệ của Đại Sư Trương Tòng Phú. Cũng là người phái Võ Đang, Lục Bình Đạo Nhân quí ông như một đệ tử thân tín và trở thành cố vấn tinh thần cho ông.
Đặc biệt vào năm 1980, ông đã khổ công tập luyện thêm Bạch Mi chính thống phái tại Việt Nam với Đại Sư chưởng môn Lư Bình Vân, nhờ vậy hóa giải được mối bất hòa trước đây giữa hai môn phái Bạch Mi và Vịnh Xuân.
Bên cạnh sự nghiệp về Võ Thuật, Đại Sư Nam Anh còn hoạt động rất tích cực trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp khác :
Tốt nghiệp Cao Học Luật Công Pháp Quốc Tế tại Luật Khoa Đại Học Đường – Sài Gòn, cử nhân văn chương Pháp và Đức – Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.
1969 đến 1973 : Hội viên Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam, phó tổng thư ký Tòa soạn Nguyệt san Võ thuật là tạp chí duy nhất về võ thuật thời đó.
1973 : Luật Sư thuộc Luật Sư Đoàn – Sài Gòn.
1973 đến 1975 : Cố vấn Pháp Lý cho Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam
1977 đến 1986 : Hội viên Hội Luật Gia Việt Nam.
Đến Québec – Canada năm 1986, ông là Giáo Sư giảng dạy hơn 9 năm tại Đại Học Montréal, cùng lúc hoàn tất học trình Tiến Sĩ Luật Thương Mại quốc tế.
Đại Sư Nam Anh còn là Chủ tịch kiêm sáng lập viên Liên Đoàn Quốc Tế Thiếu Lâm Vịnh Xuân Nam Anh Kung Fu và Liên Đoàn Quốc Tế Vịnh Xuân Chính Thống phái. Đồng thời ông cũng là Chủ tịch kiêm sáng lập viên Hội Án, Ma, Nã tại Québec và là tác giả của hơn 16 quyển sách các loại từ võ thuật, sinh ngữ, kiến trúc, đến đông y, tử vi đẩu số v.v… xuất bản trong những năm 1969 – 1975.
Nguồn: Vịnh Xuân Kung Fu Nam Anh (www.shaolinwingchun.com)

Đòn cùi trỏ trong Vịnh Xuân Hồng Kông

õ công Vịnh Xuân nổi tiếng với những trái đấm thẳng thần tốc được biết tới qua những tên gọi như Trực Tuyến Quyền, Nhật Tự Quyền… Nhưng trong thủ pháp Vịnh Xuân, các đòn cùi chỏ cũng sắm một vai trò không kém quan trọng.

Lý Tiểu Long tập mộc nhân


Lý Tiểu Long tập mộc nhânQuyền và chưởng
Nắm đấm hoặc lòng bàn tay (tức Quyền và Chưởng) là những khí giới thiện dụng của mọi môn võ vì thuộc về những phần dễ vận dụng nhất trong cơ thể. Nhưng, trong kỹ thuật chiến đấu tay không, nhiều khi người ta còn cần vận dụng tới những phần khác nữa mà cùi chỏ là một.
Cùi chỏ có một cấu trúc nhọn, cứng khiến tự nó trở thành một võ khí hết sức nguy hiểm. Tuy nhiên không phải lúc nào người ta cũng có thể thay Quyền và Chưởng bằng Cùi Chỏ. Trước tiên, người ta cần lưu ý tới tầm dài ngắn khác nhau của cánh tay khi xuất Chưởng và khi tung đòn Cùi Chỏ. Hiển nhiên là một đòn Cùi Chỏ luôn luôn chỉ có tầm hoạt động ngắn bằng một nửa của Quyền hoặc Chưởng. Từ một khoảng cách ngoài nửa thước, người ta có thể giang thẳng cánh mà nện một cú đấm vào đối thủ. Trong trường hợp này, không nên ngần ngại mà phải chọn ngay cú đấm. Bởi, nếu chọn một đòn cùi chỏ, người ta sẽ phải mất công tiến lên một bước để thu ngắn khoảng cách lại cho vừa đòn đánh, và như thế thì cơ hội đánh trúng đối thủ đã mất.
Ngược lại, trong khoảng cách gần hơn và có thể tung đòn cùi chỏ thì bạn không cần băn khoăn về việc sử dụng cùi chỏ, nếu muốn tặng cho đối thủ một đòn đích đáng. So với Quyền và Chưởng, đòn Cùi Chỏ có một sức công phá tàn khốc hơn nhiều vì dồn sức đánh vào một vùng hẹp trên thân thể đối thủ. Chính vì lẽ này, đòn cùi chỏ chỉ được tung ra khi mà các đòn khác không đủ hiệu năng để đánh bại đối thủ.
Người bỏ nhiều thời gian nghiên cứu về đòn cùi chỏ của Vịnh Xuân phái là Chưởng Môn Lương Đỉnh đã nhắc nhở như sau:

  • Nếu còn được phép chọn lựa, hãy luôn đánh bằng nấm đấm và chưởng.
  • Chưởng môn Lương Đĩnh giải thích như sau:
  • Khi tấn công bằng nắm đấm hoặc chưởng, toàn thể cánh tay đều di chuyển, và phần thân thể cận kề nhất với đối thủ chỉ là nấm đấm và cánh tay trước. Trong tình huống này, đối thủ ít có điều kiện phản công và thường phải lo thủ hoặc bằng cách chặn nắm đấm hoặc bằng cách chặn hoạt động của cánh tay trước. Như thế, người tấn công vẫn hoàn toàn được rảnh rang để có thể tung tiếp ngọn đòn cùi chỏ. Đòn cùi chỏ trở thành một đòn dự bị để tiếp tục kéo dài đòn tấn công. Nếu ngay lần đầu ra đòn mà đã tung đòn cùi chỏ thì đã vận dụng nỗ lực cuối cùng và hoàn toàn thất lợi nếu đối thủ phản ứng hữu hiệu.

Theo quan niệm trên của Chưởng Môn Vịnh Xuân Phái Lương Đĩnh, đòn cùi chỏ được coi như một “lực lượng tổng trừ bị” chỉ nên tung vào cuộc chiến khi hết sức cần thiết để đánh những cú dứt điểm. Trong thuật ngữ võ học, đòn cùi chỏ được gọi là Trửu.
Cùi chỏ trong võ công Vịnh Xuân
Chưởng Môn Diệp Vấn xuất phát từ Phật sơn và truyền dạy võ công tại Hongkong, nhưng ngay trong sinh thời của lão võ sư, người ta ghi nhận được một số điểm khác biệt giữa võ công Vịnh Xuân tại Hongkong và võ công Vịnh Xuân tại Phật Sơn.
Những khác biệt hiện ra rất rõ rệt và cụ thể ngay từ những bài quyền căn bản của môn phái. Chẳng hạn như bài quyền trung cấp Tầm Kiều tại Phật Sơn không hoàn toàn giống với bài quyền Tầm Kiều tại Hongkong. Tại Phật Sơn, các môn sinh Vịnh Xuân của võ sư Triệu Châu khi học bài Tầm Kiều đều biết ba thế đá là đá thốc về trước, đá thốc nghiêng về bên và đá thốc ngang. Tại Hongkong, môn sinh Vịnh Xuân học bài Tầm Kiều chỉ biết đến cú đá thốc ngang sau khi Chưởng Môn Lương Đĩnh đã cải biên một phần quyền sáo. Trước đó họ không biết cú đá thốc ngang. Võ sư Triệu Châu là đệ tử một bạn đồng song của Chưởng Môn Diệp Vấn. Như vậy, lão sư Diệp Vấn là sư thúc của Triệu Châu, lại thường lui tới Phật Sơn nên không thể có chuyện ông không biết về cú đá thốc ngang kia. Nhiều người cho rằng có lẽ chính ông đã tiết giảm phần nào kỹ thuật khi truyền dạy tại Hongkong.
Cũng thế, người ta tìm thấy trong bài quyền cao cấp Phiêu Chỉ, các môn sinh Vịnh Xuân tại Hongkong chỉ học có một đòn cùi chỏ là Cát Trửu, tức là đòn cùi chỏ đánh cắt thẳng xuống từ phía trên đầu. Đòn cùi chỏ này đã được lập lại tới 12 lần trong bài Phiêu Chỉ tại Hongkong. Nhưng trong bài Phiêu Chỉ tại Phật Sơn cũng do chính lão sư Diệp Vấn truyền dạy lại có tới ba đòn cùi chỏ là các đòn Cát Trửu, Quải Trửu và Bãi Trửu. Quải Trửu là một đòn cùi chỏ đánh chéo xuống ngang thân mình còn Bãi Trửu là một đòn nhỏ chém tạt ngang vào đối thủ.
Những điểm dị biệt trong võ công của môn phái tại hai địa điểm không xa cách bao nhiêu đã khiến người kế nhiệm lão sư Diệp Vấn là Tiến Sĩ Chưởng Môn Lương Đĩnh phải giành khá nhiều thời gian để suy nghĩ về sự trạng này. Sau nhiều lần đi lại nghiên cứu cùng các võ sư tại Phật Sơn, Chưởng Môn Lương Đĩnh đã thực hiện một đợt cải biên các quyền sáo và đợt cải biên này đã đem lại cho mọi môn sinh Vịnh Xuân 7 kỹ thuật cùi chỏ.
7 đòn cùi chỏ Vịnh Xuân Hồng Kông hiện nay
Trong quyền sáo cải biên của Chưởng Môn Lương Đĩnh, 7 kỹ thuật cùi chỏ hiện nay của Vịnh Xuân là :

  • Cát Trửu dùng cùi chỏ đánh từ trên đầu xuống.
  • Quải Trửu là đòn cùi chỏ thúc ngang.
  • Bãi Trửu dùng cùi chỏ đánh xéo.
  • Lan Thủ gập gắp cùi chỏ để đánh bằng cánh tay trước.
  • Bình Trửu dùng cùi chỏ tạt ngang.
  • Hậu Trửu đòn cùi chỏ đánh về phía sau.
  • Trực Lạc Trửu đánh bằng cùi chỏ thẳng đứng thốc xuống.

Bảy kỹ thuật cùi chỏ trên nằm rải rác trong cả ba quyền sáo căn bản của môn phái Vịnh Xuân, chẳng hạn các kỹ thuật Bình Trửu, Hậu Trửu nằm trong quyền sáo sơ cấp Tiểu Niệm Đầu, kỹ thuật Lan Thủ nằm trong quyền sáo trung cấp Tầm Kiều và những kỹ thuật khác nằm trong quyền sáo cao cấp Phiêu Chỉ.
Về đặc điểm của từng kỹ thuật trên có thể ghi lại sơ lược như sau :

  • Cát Trửu là một đòn cùi chỏ đánh xuống từ một tư thế cao, cắt thẳng vào mục tiêu thường là đầu của đối thủ.
  • Quải Trửu là một đòn cùi chỏ đánh theo đường chéo và cong, bắt đầu từ mặt suốt xuống phần giữa thân người đối thủ mà chém xả xuống như một nhát dao. Mục tiêu của đòn này rất rộng, gồm trán, mặt, cổ, xương cổ, vùng ngực đối thủ. Hiệu lực của Quải Trửu cao về cả công lẫn thủ, có thể giúp hóa giải dễ dàng một đòn chẹn cổ từ trước mặt.
  • Bãi Trửu nhắm dùng cùi chỏ chặt ngang vào mặt đối thủ. Đòn này rất đắc dụng để chống một đối thủ muốn ôm chầm lấy bạn trong một khoảng trống hẹp. Đòn có thể tung ra bằng cả hai tay như một đòn kép. Khi tung đòn, cánh tay trước ở thế gập thẳng góc với cánh tay trên và dùng một động tác vặn hông để đưa cùi chỏ vào tầm trung đòn. Nếu mục tiêu là một bên đầu đối thủ có thể sử dụng tay kia nắm đầu đối thủ lại khi đòn cùi chỏ tung ra từ phía ngang hông.
  • Lan Thủ tuy là xếp vào kỹ thuật đánh cùi chỏ nhưng chỉ sử dụng cánh tay trước để đập mạnh bàn tay vào đầu, cổ ngực hay đối thủ. Khi tung đòn này, cùi chỏ được gập gắt lại cùng với động tác vặn hông cực gắt để tạo ra một lực xoắn lớn.
  • Bình Trửu được phóng ra khi cánh tay ở vị thế ngang nhắm vào những phần mềm như yết hầu. Đòn này được coi là một đòn cùi chỏ hiểm hóc.
  • Hậu Trửu cũng được coi là một đòn cùi chỏ hiểm hóc và ác liệt không thua Bình Trửu. Hậu Trửu nhắm vào một đối thủ ở phía sau và dùng mút cùi chỏ làm khí giới trong khi nắm đấm xoay lên trên.
  • Trực Lạc Trửu là một đòn đánh ở tầm cực gần hoặc trong tình thế khẩn cấp tương tự như lúc đối thủ liều lĩnh lao thẳng vào mình. Trực Lạc Thủ đánh thốc xuống từ tư thế cùi chỏ thẳng đứng nhắm vào đỉnh cột sống đối thủ và sử dụng mút cùi chỏ.

Trong võ công Vịnh Xuân, theo quan niệm của Chưởng Môn Lương Đĩnh, sử dụng đòn cùi chỏ là biện pháp cuối cùng. Điều này không có nghĩa đòn cùi chỏ có hiệu quả cao nhất, nhưng vì tính chất nỗ lực cuối cùng của chúng. Sau khi tung một đòn cùi chỏ, người ta lâm vào tình thế rất khó tiếp nối thêm bằng một đòn khác. Thêm nữa, đòn cùi chỏ luôn luôn có sức công phá mạnh hơn những đòn khác và do đó có thể tạo ra những hậu quả thảm khốc cho người trúng đòn. Tuy nhiên, nếu ở trong một tình thế cấp bách và cần mau chóng tạo an toàn cho mình thì đòn cùi chỏ vẫn là kỹ thuật nên lưu ý tới.
Chính vì sức công phá mãnh liệt trên của các đòn cùi chỏ mà môn võ Muay Thai của Thái Lan đã đặt biệt chú trọng tới kỹ thuật này. Theo nhiều chuyên gia võ học thì võ Muay Thai bắt nguồn từ một môn võ Thái Lan khác có tên Linh Lum (khỉ bay) đã chịu ảnh hưởng khá lớn của môn phái Vịnh Xuân trong các kỹ thuật đánh cùi chỏ. Tất nhiên cũng có nhiều người không nghĩ thế mà cho rằng võ Linh Lum vẫn có kỹ thuật cùi chỏ riêng, nhưng chính những người này cũng nhìn nhận là có nhiều điểm giống nhau giữa môn võ này với võ công Vịnh Xuân trong kỹ thuật đánh cùi chỏ và đầu gối.
Tác giả: Bảo Quang
Nguồn: Sưu tầm

Vĩnh Xuân: Sự tiềm ẩn và dưỡng sinh

Có không ít người khi nghĩ đến võ thuật đều liên tưởng đến mẫu người chỉ có sức khoẻ mà hạn chế về tư duy. Trên thực tế thì hoàn toàn không phải vậy, hầu hết những người tập võ không những xây dựng cho mình được một sức khoẻ rất tốt mà còn có một tinh thần sảng khoái, bộ óc mẫn tuệ và tư duy phong phú. Học võ nhiều khi cũng như một nghành nghề lao động, như một môn khoa học vậy, người tập không chỉ hoạt động bằng cơ bắp đơn thuần mà còn như một kỹ sư, như một nhà khoa học. Để đạt được cảnh giới cao hơn, họ cũng không ngừng nghiên cứu và sáng tạo. “Lao động sinh ra chân lý” thì cũng hẳn là điều tất yếu. Chân lý ở đây chính là sức khoẻ và sự mẫn tiệp.
Vĩnh Xuân quyền, theo cách nói trên thì quả là một nghành khoa học ưu việt. Đấy cũng không phải lời nói thái quá vì trong thực tế, những người theo học Vĩnh Xuân luôn có cơ thể tràn đầy sức khoẻ, bộ óc với tư duy cao và tâm hồn tươi vui. Nhất là Vĩnh Xuân lại phù hợp mọi lứa tuổi,mọi thể trạng cả nam lẫn nữ…
Những bài tập Vĩnh Xuân qua quá trình nghiên cứu của bao bậc tiền bối đi trước đã phát triển rất đa dạng, phong phú và đồ sộ. Từ những bài tập thở, hệ thống niêm thủ, 108 thế tập với mộc nhân,nội công…đều là những đúc kết tinh hoa, sự tìm hiểu nghiêm túc con người. Tinh hoa ở chỗ tập luyện dễ dàng mà đạt được kết quả cao nhất, nghiêm túc ở chỗ những bài tập được sắp xếp có hệ thống và rất chặt chẽ. Điều cốt yếu là phục vụ cho sức khoẻ cũng như tinh thần của người tập, nó hoá giải cả bệnh tật và những ưu tư lẫn mâu thuẫn trong cuộc sống…

Tập thở của Vĩnh Xuân( chia làm hai phần thở động và thở tĩnh):
Thở động: là một hình thức dưỡng sinh được các môn sinh tập luyện ngay từ giai đoạn đầu(sơ cấp – trung cấp). Những bài tập này đều kết hợp với phần cơ bản công của môn phái bao gồm các bài tập tứ tượng, ngũ hình, thủ đầu quyền, tầm kiều…Đặc biệt là thở động thông qua những chiêu thức của hệ thống niêm thủ, đây là một hình thái vô cùng quan trọng cho người tập dưỡng sinh đặt nền móng cho việc nâng cao trình độ sau này.
Thở tĩnh (hay còn gọi là tĩnh công): gồm những bài tập thở, quán tưởng đòi hỏi tinh thần phải nhất tâm nhất lực; được như vậy mới phát huy hết khả năng tiềm ẩn trong cơ thể. Kinh mạch thông suốt, tinh thần sảng khoái- sẽ đạt đến sự thăng hoa, lấy được sự cân bằng về âm dương sẽ đẩy lùi bệnh tật và sự phiền muộn.
Hệ thống niêm thủ của Vĩnh Xuân.
Đây là một đặc trưng cơ bản của Vĩnh Xuân và cũng là một “ loại thuốc quý” cho sức khoẻ. Ngoài sự bảo dưỡng các ổ khớp và cơ bắp còn có tác dụng rất lớn về mặt tinh thần. Nó đánh thức sự cảm nhận (gọi là linh giác) của cơ thể, đưa những tín hiệu về bộ não trung ương một cách nhạy bén. Để cuối cùng đạt tới độ hợp nhất tinh thần và thể xác, còn gọi là “tâm ứng thủ”, mang lại sự khéo léo hoàn hảo cho các chuyển động của cơ bắp và sự nhanh nhẹn lẫn chính xác trong mỗi động tác.
Chính vì vậy mà các tiền bối của Vĩnh Xuân như cụ Diệp Vấn (sư phụ ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long) chỉ cao 1.65m; Vòng Chung Lôi dạy tại Đức cũng chỉ cao 1.65m…đã thường xuyên loại các cao thủ trên 100kg một cách nhanh gọn. Ngoài những kỹ năng chiến đấu, họ còn có hệ thống khí công, dưỡng sinh thật nghiêm túc thì mới có được khả năng siêu phàm đó,với một sức vóc nhỏ bé, tuổi cao thì thật khó có thể loại được các cao thủ to lớn ra khỏi cuộc chiến.
Nếu môn sinh được sự chỉ dẫn đúng đắn và kiên trì tập luyện thì đạt được kết quả như trên cũng không phải là điều khó khăn. Tại Việt Nam cũng đã có những danh sư Vĩnh Xuân đạt tới mức độ thượng thừa về nội công và dưỡng sinh, chữa được những bệnh hiểm nghèo.
-Cụ Trần Thúc Tiển đã vượt qua được bệnh lao, thời đó là một trong tứ chứng nan y.
-Cụ Trần Văn Phùng luôn giữ được sức khoẻ và sự sang suốt đến cuối đời.
-Võ sư Nguyễn Ngọc Nội, võ sư Nguyễn Khắc Chương đã tạo nên những chuyện lạ Việt Nam.
Tại Hà Nội phong trào luyện tập Vĩnh Xuân đã phát triển rực rỡ. Các võ sư và huấn luyện viên đã hợp nhất thành Câu lạc bộ Vĩnh Xuân Hà Nội,cùng bàn bạc trao đổi đưa ra những phương pháp, giáo trình giảng dạy một cách khoa học nhất, hiệu quả nhất. Mỗi người đến với Vĩnh Xuân sẽ nhận được những kết quả luyện tập khác nhau tuỳ vào cách nhìn nhận của mỗi người. Vì thực sự Vĩnh Xuân không hề khô cứng, không hề bất biến như một mục đích cụ thể. Vĩnh Xuân là con đường, những ai đã và đang đi trên con đường đó đều tìm được chân lý và thành công của riêng mình. Có người nhận được kết quả là sự chiến đấu và tự vệ hoàn hảo, có người nhận được kết quả chữa bệnh và chống lão hoá,có người nhận đựoc kết quả sức khoẻ dẻo dai, tinh thần sảng khoái để hoàn thành tốt mọi công việc, cũng có người tập Vĩnh Xuân để luôn được vui vẻ và biết yêu thương, chia sẻ, hoá giải mọi mâu thuẫn, thù hằn…
Có người nói Vĩnh Xuân là một điều kỳ diệu, thực sự không phải vậy, Vĩnh Xuân là một môn khoa học, con người mới thực sự là điều kỳ diệu của cuộc sống. Hãy đừng để điều kỳ diệu ấy ngày một yếu đi, già nua và nhuốm đầy sự ưu phiền. Hãy tươi vui và khoẻ mạnh bằng cách tập luyện hàng ngày khi có thể,sẽ gặt hái được những kết quả nhất định.
Tác giả: Võ sư Đinh Trọng Thủy
Nguồn: Vĩnh Xuân Thăng Long (www.vinhxuankungfu.com)

Giai thoại cụ Tế Công tiếp Pak sifu

Trước đây có một ông quan Tuần phủ tên là Cung Đình Vận, vốn là người ham thích võ nghệ. Tự quan cũng biết võ và rất thích học võ. Quan thuê riêng thầy dạy võ cho mình ở tại nhà, để được quan nhận làm gia sư phải qua được 1 thể lệ: thắng được quan khi tỷ thí võ nghệ, mà nhiều người không qua được vì: vốn dĩ quan giỏi võ, mà khi tỉ thí với quan phải nương tay, ai dám dùng đòn sát thương với quan. Pak sifu là gia sư của Cung Đình Vận, người Hoa, phái Hồng gia hay Bát quái?!
Đầu những năm 40 : Pak sifu nghe tiếng ông Tàu ốm Cấy Công (Tế Công) giỏi võ. Lại nghe người Hoa ở Hà nội đồn đại, nên đến nhà cụ Tế thách đấu. Lúc vào nhà: Tế Công đang ngồi uống trà với một người học trò (người Việt Nam), Pak sifu xưng danh, thách Tế Công đấu, nói nếu thắng thì thưởng, bằng thua thì phải đi khỏi Hà nội. Người học trò đứng bật dậy, thị uy dẫm chân vỡ viên gạch hoa dưới sàn, nói : sao ông dám khinh thầy tôi, hãy thử với tôi trước đã. Pak sifu nhìn Tế Công nói: ta không đấu với học trò. Đoạn quay sang người học trò: việc người Hoa để người Hoa giải quyết. Cụ Tế đưa mắt cho học trò, bảo tránh ra. Cụ đứng dậy , cởi áo ngoài, giơ ngực, nói : Ông hãy đấm 3 quả, sau sẽ nói chuyện đấu.
Pak sifu vận lực đấm quả đầu không hết sức, cụ Tế vẫn đứng yên, khì mũi nói: đấm gì mà chẳng thấy lực đâu, uổng công học võ. Pak sifu nổi giận lôi đình, dùng hết lực , đấm vào ngực cụ Tế. Lần này chỉ thấy cụ Tế hơi lắc nhẹ thân, Pak sifu ngã xuống trước mặt, nhìn ra thì cổ tay đã gãy, bàn tay hãy còn nắm đấm treo lòng thòng. Pak sifu gượng đau, nói : có mắt mà không nhìn thấy núi Thái sơn, cao nhân thứ lỗi. Cụ Tế thở dài, không nói gì, phất tay bảo học trò và người đi theo Pak sifu, đỡ lên đưa đi. Sau 2 tuần Pak sifu chết.
Nguồn: sưu tầm

Một số giai thoại về cụ Tế Công

Môn Vĩnh Xuân là môn võ mà ngay từ bài đầu tiên đã luyện công phu, càng lâu thì công phu càng cao nhưng không mang ra biểu diễn được. Vậy nên ai định học võ để đá cao, đấm vỡ ngói, nhảy cao, lăn nhanh, hét to và nở nang cơ bắp thì đừng nên tập môn Vĩnh Xuân

“Lực Bất Đả Quyền

Quyền Bất Đả Công

Luyện Quyền Bất Luyện Công

Đáo Lão Nhất Trường Không”

Nôm na hiểu,người có sức khỏe không đánh được người có võ, người có võ không đánh được người có công phu, luyện võ không luyện công phu, đến già coi như không biết gì.Môn Vĩnh Xuân là môn võ mà ngay từ bài đầu tiên đã luyện công phu, càng lâu thì công phu càng cao nhưng không mang ra biểu diễn được.  Vậy nên ai định học võ để đá cao, đấm vỡ ngói, nhảy cao, lăn nhanh, hét to và nở nang cơ bắp thì đừng nên tập môn Vĩnh Xuân.  Môn võ này vốn dành cho phái nữ, trông thì mềm dẻo nhưng cương nhu gồm đủ, cao thủ đương thời lại toàn nam giới. Ai thích môn Vĩnh Xuân nhất thiết phải biết đến Tôn Sư Tế Công, người mang Vĩnh Xuân vào Việt Nam và là một cây đại thụ của làng võ thế giới.

Ông Tế Công bao nhiêu tuổi?

Sang Việt Nam vào năm 1907, lúc đó ông Tế Công trạc 30 tuổi, nghĩa là ông phải sinh khoảng năm 1877.  Năm 1947, ông Tế Công 70 tuổi mới có con trai một tuổi nên đầu năm 1952 chụp ảnh chung với học trò, anh con trai ông còn bé tí.  Năm 1959 ông Tế Công bước sang tuổi 83 và sau đó mất ở Viện Đồng Khánh, Sài Gòn.

Tại sao Tế Công sang Việt Nam

Nghe nói ông vốn họ Hồ, sau khi xuất sư làm bảo tiêu kiếm sống. Từ Quảng Đông đến Vân Nam là con đường khắc nghiệt, đem theo một cặp Bát Trảm Đao và cây côn ông đã hạ thủ quá nhiều địch nhân, nên ông lánh sang Việt Nam tránh truy sát.  Vốn có nghề thuốc, ông ở tạm một nhà người Hoa ở Hàng Buồm và mở phòng mạch, bốc thuốc, chủ yếu chữa bong gân, gãy xương.  Lúc đầu ông chỉ dạy võ cho người Hoa, rồi mãi đến hai ba mươi năm sau mới dạy cho người Việt.

Tế Công đánh tây đen

Ông cả ngày chẳng nói câu nào, đi, đứng, ngồi cứ nhắm mắt như ngủ.  Ông thường mặc quần áo thụng, đội mũ vải sụp che cả mắt, hai tay lồng vào nhau, cứ lầm lũi đi trên hè phố Hàng Đào.  Có một anh tây đen trông lạ mắt cứ đi theo xem, rồi không nhịn được, anh tây đen vượt lên thò tay giật mũ trên đầu ông Tế Công, chỉ thấy ông chúi một tí anh tây đen chụp hụt, làm mấy lần liền đều hụt làm anh ta cáu tiết nên chặn hẳn lại vồ cả hai tay, bỗng một cùi chỏ bay ra làm anh ta té nhào còn ông Cống vẫn áo thụng chùm mũ lùi lũi đi trên hè phố.

Tế Công so tay với Chung sư phụ

Chung sư phụ là một võ sư Hồng Gia chân truyền, những năm 1930, 1940, ông rất nổi tiếng trong giới Hoa Kiều ở Hà Nội.  Một lần Chung sư phụ gặp ông Tế Công ở Hàng Giầy, hai sư phụ đùa nhau thế nào mà cuối cùng là thi co tay.  Ông Tế Công mắt lúc nhắm lúc mở, trông hơi cười cười, Chung sư phụ lên gân, vận lực hét hây hây.  Tế Công cứ co lên co xuống trông rất bình thản, đoạn nói : “ Hây a, hòa lớ, không thắng được a.”

Tế Công cho Lý Văn Quảng đấm

Bốc xơ, Lý Văn Quảng dạy cho đám Sinh, Xuân ở khách sạn Đồng Lợi, một bữa nghe học trò khoe có ông Tế Công cho người khác đấm vào người thoải mái mà không làm sao.  Lý Văn Quảng không tin, bảo : “Vớ vẩn, cho quả móc thì ruột lộn lên phổi.” Một học trò dẫn đến, thấy ông Tế Công nhắm mắt nói cứ đấm, Lý Văn Quảng đấm một hồi mệt cả người rồi bị một đòn cầm nã kéo lại, rồi bị phất một cái ngã lăn.

Những ai là học trò của Tế Công?

Ông Cống dạy võ ở Hà Nội đến 47 năm, trước sau có khối học trò, thế nhưng bảo ai là đệ tử chân truyền thì ai cũng giơ tay cả, chẳng làm sao phân biệt được ai là nội đồ và ai là ngoại đồ nữa.  Chuyện kể ông Việt Hương so kiếm với viên sĩ quan Nhật bị phát hiện ra là dùng kiếm của Tế Công nên phải chuyển chỗ ở.  Chuyện ông Cẩm mở hàng ở phố Hàm Long, cũng theo học Tế Công, đòi học nội công nhưng ông Tài Cống không dạy, chỉ cho tập mộc nhân suốt ngày.  Mấy anh tây đi tập bốc xơ về nhìn thấy cứ lôi ông Cẩm ra chọc, bất đồ ông chặn đỡ hất tay ngã ráo cả.  Hồi dạy ở nhà bác Tiển ở Gia Ngư có các ông Quảngm Phòng, Liễn.  Trong tấm ảnh chụp năm 1952 có các ông Nghi, Lâm, Phùng, Tiển… Người hay ra biểu diễn cùng ông Tế Công là Lồ Xô Bùi, tức La Tú Mai con ông La Bá Cống.

Hiện nay chỉ có 4 chi phái Vĩnh Xuân đang hoạt động (ở ngoài bắc), đó là chi phái của bác Trần Thúc Tiển, chi phái của bác Phùng, chi phái của bác Ngô Sĩ Quí, và chi phái của bác Vũ Bá Quí đã đổi thành Vũ Gia Thân Pháp. (Ngoài ra còn một số chi phái Vĩnh Xuân ở trong nam)

(Cụ Tế Công khi vào nam cũng thu nhận thêm một số đệ tủ, trong số đó có ông Lục Viễn Khải, Đỗ Bá Vinh, và Hồ Hải Long)

Nguồn: Trích Ngôi Sao Võ Thuật