Sau nhiều năm làm quản lý kinh doanh, tuyển dụng, đào tạo, hỗ trợ nhiều nghìn nhân sự, quan sát và đúc kết ... tôi thấy rõ mồn một các lý do phổ biến dẫn đến một người chưa có thành công, chưa tạo được kết quả cao trong công việc ... thậm chí thất bại (bỏ cuộc) là vì:


Các yếu tố sau đan xen, quyện lẫn không tách rời, cái nọ là nguyên nhân sinh ra cái kia và ngày càng bế tắc nếu không gỡ được từ một điều nào đó chuyển biến theo hướng ngược lại.

+ Có 2 loại lý do chính:

- Loại thất bại do học và làm, sống sai, xấu.

- Loại chưa thành công do thấy cái gì cũng tốt cũng hay và tìm hiểu, học tập nhưng không dành thời gian, nguồn lực đủ nhiều, đủ lâu để thực hành, chuyển hóa và vượt qua những bước đầu khó khăn, thất bại. Học lan man, hời hợt, lười thực hành, sợ thất bại, sợ khó, sợ khổ ...

+ Có 2 loại tâm lý đối nghịch:

- Kiêu mạn: Cho rằng mình giỏi, mình hơn người, tự cao, luôn sợ người khác coi thường mình và gồng mình lên để thể hiện bản thân, người khác nói gì cũng nghĩ là họ đang đụng chạm mình rồi tự ái.

- Nhút nhát: Không DÁM làm, dù nhiều người đã làm được, chỉ vì tự tưởng tượng ra các rào cản, giới hạn bản thân.

+ Thiếu nghị lực:

- Biết việc đúng, việc cần làm nhưng không hành động làm, biết việc sai, việc xấu nhưng vì thỏa mãn sở thích, cảm giác, cảm xúc nhất thời ngắn hạn mà cố làm sai, xấu.

- Thiếu kiên nhẫn: Làm muốn nhanh, muốn nhiều, muốn dễ được ngay, chưa được là bỏ cuộc nhanh chóng dễ dàng.

- Thiếu kỷ luật: Kỷ luật bản thân các thói quen, hành động và kỷ luật tuân thủ theo tập thể mà mình đang là một thành viên trong đó.

+ Khả năng tự học thấp: Chỉ muốn học nhanh, làm ngay ra kết quả, ỷ lại vào người khác chỉ muốn nghe mà không muốn tự tìm tòi khám phá.

+ Lười suy ngẫm: Khi học, khi làm thì chỉ muốn nghe cho hay, làm theo thói quen hời hợt, thiếu tỉnh thức, thiếu cảm nhận về bản thân mình và thế giới xung quanh, không hiểu rõ các quy luật hiển nhiên của thực tại.

+ Mất tập trung, xao lãng: Phân tán năng lượng, nguồn lực vào nhiều việc do CẦU TOÀN hoặc do THAM LAM hoặc do không lượng đúng sức của mình.

+ Tiêu cực, bất an: Thói quen suy nghĩ tiêu cực, tưởng tượng những điều theo xu hướng xấu, thất bại. Lo lắng quá mức.

+ Quay ra bên ngoài soi mói, phân tích, bình luận người khác mà không lo thay đổi bản thân, không lo hành động việc của mình.

+ Đổ lỗi trách móc người khác khi chuyện bất như ý xảy ra mà không chịu TIÊN TRÁCH KỶ HẬU TRÁCH NHÂN (trước tiên tìm lỗi, sửa lỗi nơi mình, sau đó mới góp ý, giúp đỡ được cho người khác).

+ Viện lý do bao biện cho cách làm sai, xấu hoặc cách làm có xác xuất thành công thấp, suy cho cùng cũng là để chứng minh mình đúng mà thôi. Nó có thể rất logic, rất hay ... nhưng kết quả không đến.

+ Tham lam, ích kỷ chỉ muốn nhận mà không muốn cho đi, không muốn cống hiến, muốn người khác giúp đỡ mình, có trách nhiệm với mình nhưng nhìn lại chưa thấy mình đóng góp được gì mà chỉ bình luận, chê bai (chính là không những không đóng góp mà còn đang gây hại cho tổ chức).
+ Công sức của mình thì ít nhưng lại ảo tưởng là lớn lao, còn giá trị của người khác thì mình không nhìn ra ...

+ Tâm lý VĂN MÌNH - VỢ NGƯỜI: Văn mình thì cho là hay, văn người khác thì dở, vợ mình thì không thấy đẹp, nhưng vợ người khác thì thấy đẹp.

+ Không hợp tác, phối hợp được tốt với người khác.

+   ... và nhiều thứ khác không kể hết.


Các yếu tố trên đan xen, quyện lẫn không tách rời, cái nọ là nguyên nhân sinh ra cái kia và ngày càng bế tắc nếu không gỡ được từ một điều nào đó chuyển biến.

HỆ QUẢ là:

- Muốn nhanh, muốn dễ, thấy khó là chuyển việc, chuyển Công ty.

- Chán nản, bỏ cuộc, buông xuôi, thờ ơ, bất mãn với cuộc đời.

- Cuộc sống bế tắc, vô vị, thiếu ý nghĩa, thiếu động lực.

- Tiêu cực, căng thẳng với chính bản thân mình và với những người xung quanh.

- Cuộc sống ngày càng bế tắc hơn, vòng luẩn quẩn mãi không gỡ ra được.

GIẢI PHÁP là gì?

+ Quay vào bên trong chính mình để xem mình CÒN CÓ THỂ LÀM GÌ TỐT HƠN và tập trung vào bản thân mình, sửa đổi, nâng cấp, làm đúng, làm chuẩn, làm tốt HƠN NỮA. Tốt rồi vẫn luôn có thể tốt hơn nữa.


+ Mình chưa tạo thành tựu thì nói có vẻ hay nhưng có thể mang theo nhiều điều sai xấu mà mình không biết, mình cứ ngỡ đó là điều tốt lành chia sẻ giúp đỡ người khác nhưng vô tình hại người khác nhiều hơn là giúp người khác.

+ Thời buổi này điều hay, điều thú vị, điều li kỳ hấp dẫn ... tràn ngập, tìm đâu cũng thấy, cần gì mình phải nói với người khác nhiều đều mà tìm đâu cũng thấy.

+ Đừng nói, đừng khuyên khi người khác chưa sẵn sàng, chưa muốn lắng nghe mình nói. Đa phần người ta chỉ muốn lắng nghe lời khuyên khi chính họ thấy bất lực trước vấn đề họ đang phải đối mặt và tôn trọng ta khi ta có thành tựu (chứ không phải ta nói hay và ta nhiệt tình nói). Khi họ đang trên đỉnh cao của thành công thì họ sẽ không muốn nghe lời khuyên, và thực sự thường là: Mình cũng chưa đủ tư cách để đưa ra lời khuyên cho những người có thành tựu lớn hơn mình trong khía cạnh mà họ đang có kết quả tốt hơn mình (đừng nói là vì họ ăn may mà thôi còn mình giỏi hơn nhưng thiếu may mắn).

+ May mắn, hên xui chỉ là từ ngữ dành cho những người chưa hiểu rõ lý do tại sao ẩn chìm mà thôi.

+ TẬP TRUNG làm điều TỐT NHẤT đúng thời điểm chứ đừng để dòng đời cuốn trôi, bị quá nhiều những cái tốt thu hút mà mình thiếu chủ đích, thiếu bản lĩnh nói KHÔNG thì sẽ thấy lúc nào mình cũng đúng, cũng tốt nhưng mình chưa thành công và nghĩ mình thiếu may mắn, nhưng thực ra là do bản lĩnh mình yếu mà thôi.

+ ... mỗi người sẽ thêm nhiều giải pháp riêng khác nhau, từng thời điểm khác nhau, mức độ khác nhau.

TÓM LẠI:

Đường dài bắt đầu từ những bước đi đầu tiên. Hãy bước đi ... Bước đi là HÀNH ĐỘNG làm để tạo ra giá trị cho thế giới và qua đó nâng cao giá trị bản thân ấy nhé ... đừng chỉ nói hay, đừng chỉ bình luận hay.

BƯỚC TIẾP ĐI!