Quy tắc thay đổi 1% mỗi ngày, sau 3 tháng bạn đã thay đổi cả cuộc sống và tư duy

Nếu mỗi ngày tiến bộ 1%, sau 100 ngày, bạn nghĩ mình đã tiến bộ gấp đôi thì hoàn toàn sai lầm. Giá trị thay đổi thật sự còn lớn gấp nhiều lần như thế.

Ân Đức Nhân

Sự kỳ diệu của phép lũy thừa

Sự tích lũy của thời gian sẽ giúp cho từng tiến bộ nhỏ trong mỗi ngày của chúng ta được định lượng và tích góp cụ thể hơn. Nếu mỗi ngày chúng ta nỗ lực phấn đấu thêm 1%, vậy sau 10 ngày, sau 100 ngày, thậm chí là sau 1 năm, bạn có lường trước được chúng ta đã trở thành con người khác biệt tới mức nào hay không?

Theo tác giả Sam Thomas Davies, đây chính là công thức biểu thị việc tiến bộ mỗi ngày 1% và thụt lùi mỗi ngày 1% sẽ đem tới một kết quả khác biệt thế nào sau 1 năm. Theo công thức đầu tiên, nếu bản thân ta tiến bộ 1%, thì sau 365 ngày, dựa theo cách tính lũy thừa, chúng ta đã tiến bộ hơn gấp gần 38 lần so với thời điểm hiện tại. Còn nếu chúng ta thụt lùi đi mỗi ngày 1% thì sau 1 năm, chúng ta đã yếu kém hơn con người của hiện tại gần 33 lần.

Để đạt được con số này, chúng ta phải sử dụng cách tính cộng gộp, vì giá trị khởi điểm chính là bằng tổng giá trị của những ngày trước đó cộng lại. Sang ngày hôm sau, thì giá trị của chúng ta đã được cộng thêm (hoặc bớt đi) một lượng giá trị của ngày trước đó. Điều đó yêu cầu chúng ta bắt buộc phải tiến bộ mỗi ngày 1%, không ngừng không nghỉ suốt 365 ngày mà không có ngày nào được phép dừng lại. Nếu không, tổng giá trị cuối cùng sẽ giảm đi một lượng đáng kể chứ không chỉ là 1% của ngày hôm đó.

Nhưng cuộc sống thì tràn đầy khó khăn, không bằng phẳng và đều đặn mỗi ngày được. Sẽ có những lúc chúng ta bận rộn, đau ốm, mệt mỏi, có vấn đề gia đình, có vấn đề cá nhân... hoặc thậm chí có những ngày đơn giản là chúng ta không biết cải thiện bản thân cái gì, không ai có thể đảm bảo mình sẽ không ngừng phấn đấu suốt 365 ngày trong năm. Vì vậy, nếu giả sử không cộng gộp, ta so sánh sự tiến bộ 1% với bản thân của ngày đầu tiên thôi, thì sau 365 ngày, ta cũng tốt hơn 3,65 lần rồi. Chỉ vậy thôi cũng đã đạt được một con số mơ ước của rất nhiều người.

Tiến bộ tịnh tiến: Mỗi ngày chỉ 1%

Nếu bạn thấy một con cá voi lớn nặng gần 8,6 tấn mà vẫn có thể nhảy vọt lên cao 6,6 mét so với mặt nước và thực hiện liên tục những màn nhào lộn khác nhau, liệu bạn có ngạc nhiên về sự tác động kỳ diệu của trọng lực Trái Đất lên chú cá voi đó hay không? Thật ra, bí quyết nằm trong quá trình nó được huấn luyện viên đào tạo. Lúc đầu, họ đặt một sợi dây dưới nước và khiến chú cá voi vượt qua. Mỗi lần như vậy, nó sẽ nhận được một phần thưởng. Mỗi ngày huấn luyện viên lại nâng chiếc dây lên cao hơn so với hôm trước một chút. Sự khác biệt khiến chú cá voi không thể nhận ra và nó vẫn không ngừng thành công, không ngừng được thưởng. Bằng cách này, sau một thời gian dài, chiếc dây đó dần dần ngang bằng mặt nước, rồi cao hơn, và tiếp tục cao hơn thế nữa. Chẳng mấy chốc, chú cá voi đã vô tình đạt tới độ cao 6,6 mét trên không.

Đặt vào trong môi trường làm việc của chúng ta bây giờ, cho dù mỗi ngày rất nhiều người đều đảm nhiệm cùng một công việc giống nhau, nhưng những ai biết không ngừng tiến bộ như chú cá voi đó sẽ luôn chuẩn bị nhiều hơn so với những người khác dù chỉ là 1%. Từ đó, họ gặt hái được nhiều hơn 1% mỗi ngày. Sự tích lũy có thể dẫn tới thay đổi. Và nhiều thay đổi về lượng sẽ dẫn tới sự thay đổi về chất. Sớm muộn cũng sẽ có một thành tựu ấn tượng được tạo ra từ bàn tay của họ.

Chúng ta thường có hai cách thay đổi, thứ nhất là đột phá hoàn toàn, thứ hai là tịnh tiến từ từ. Cách thứ 1 rất khó, đòi hỏi bạn phải là người rất có ý chí, quyết tâm và nghị lực để thực hiện một cuộc cách mạng thật sự. Còn cách thứ 2 có dễ không? Không hề. Cách thứ 2 lại yêu cầu một tinh thần thật sự kiên cường, có niềm tin vào bản thân và có sự kiên trì hết ngày này tới ngày khác.

Năm 2010, huấn luyện viên Dave Brailsford đã vô cùng đau đầu khi đội tuyển xe đạp của Anh chưa một lần nào đạt được một giải Tour de France. Sau nhiều ngày suy nghĩ tìm cách cải thiện, ông quyết định áp dụng phương pháp thay đổi tịnh tiến 1%, tức là cải thiện 1% trong tất cả mọi thứ mình làm. Với suy nghĩ đó, ông bắt đầu không ngừng thử thay đổi từng chút một ở mọi khía cạnh cho đội tuyển như: thay đổi loại gel mát-xa mà đem lại hiệu quả tốt hơn; thay đổi loại gối ngủ chất lượng hơn để tuyển thủ du đấu có thể nghỉ ngơi đầy đủ; tìm hiểu xem trọng lượng của bánh xe như thế nào là tối ưu nhất; dinh dưỡng như thế nào là tốt nhất...

Cứ như vậy, cuối cùng Dave và nhóm của ông đã dần dần cải thiện được 1% trong mọi thứ, dù chỉ là nhỏ nhất. Ông cho rằng, với tiến độ này, khoảng 5 năm sau đội tuyển Sky Team sẽ có đủ thực lực để giành giải thưởng danh giá nhất nhì giới xe đạp chuyên nghiệp. Thế nhưng Dave đã lầm. Vì chỉ sau 3 năm, Đội tuyển Anh đã lập được những kỳ tích khó tin tại giải Tour de France.

Có thể thấy, thành công là sự lập đi lập lại của một vài kỷ luật, mỗi ngày; trong khi thất bại là một vài sai sót trong việc ra quyết định, mỗi ngày, giống như Jim Rohn từng nói.

Nếu bạn muốn chạy được 5km, vậy phải bắt đầu chạy ít nhất 500 mét ngay từ hôm nay. Nếu bạn muốn tương lai thành công, bạn nên thay đổi từng chút một mỗi ngày. Tương lai luôn là hệ quả của hiện tại, chứ không được quyết định bằng phép màu thần kỳ nào đó.

ÂN ĐỨC NHÂN
Chọn lọc những nội dung phát triển cá nhân, phát triển tổ chức hiệu quả cao và bền vững. Chuyên sâu trong lĩnh vực Bất động sản và nghề Môi giới.
Phát triển bản thân