VƯỢT NGƯỠNG - VƯỢT GIỚI HẠN để trở nên XUẤT SẮC VƯỢT TRỘI

Tâm thế đúng liên tục

Ân Đức Nhân

Ta thường nghe nói đến: Ngưỡng/giới hạn chịu đựng, ngưỡng thấp nhất, ngưỡng cao nhất, ngưỡng tình bạn, ... hoặc các giới hạn ... vậy ta cần hiểu gì về ngưỡng/giới hạn và nó quan trọng như thế nào?

A. Các ngưỡng thể chất.

+ Ngưỡng sức mạnh: Người A có ngưỡng sức mạnh chỉ nâng được quả tạ 50kg, người B có thể có ngưỡng sức mạnh nâng được quả tạ 100kg ...

+ Ngưỡng sức bền: Người A có thể chạy liên tục 5km là hết chịu nổi, người B có thể chạy liên tục 50km cùng tốc độ ấy vẫn bình thường ...

+ Ngưỡng tốc độ: Người A chạy hết sức chỉ được 100m trong 14 giây, Usain Bolt đạt kỷ lục thế giới chạy nhanh 100m chỉ trong 9 giây 58.

+ Ngưỡng độ chính xác, tinh tế: Người A bắn cung, bắn súng, làm việc với độ chính xác chỉ 5 điểm. Người B làm các việc ấy với độ chính xác 9 điểm.

B. Ngưỡng tinh thần:

+ Ngưỡng TRÍ TUỆ.

- Có người giải được bài toán khó cấp độ 2, có người giải được toán khó cấp độ 5, có người giải được toán khó cấp độ 10 ...

- Có người có trí thông minh đưa ra được giải pháp cho vấn đề có độ khó, độ phức tạp cấp độ 3, có người giải được vấn đề khó cấp độ 10 ...

+ Ngưỡng ĐẠO ĐỨC đo thử bằng tiền (có thể đo tương tự trên thước đo về các sở thích, ước muốn, giá trị khác ...).

- Có người đứng trước lợi ích trị giá 10 ngàn đồng đã sẵn sàng bất chấp xấu, ác để làm lợi cho mình. Ngưỡng đạo đức người này rất thấp (trên thước đo tiền bạc 10 ngàn đã có thể đánh đổi).

- Có người đứng trước lợi ích trị giá 10 ngàn hoặc 100 ngàn vẫn xòng phẳng, chơi đẹp ... nhưng đứng trước lợi ích 1 triệu thì họ sẽ bắt đầu đắn đo việc bất chấp xấu, ác để đạt mục tiêu lợi ích 1 triệu ấy.

- Có người đứng trước lợi ích 1 triệu vẫn tử tế xòng phẳng, chính nhân quân tử nhưng khi đứng trước 10 triệu thì họ bắt đầu bất chấp xấu, ác để làm lợi cho riêng mình. Ngưỡng đạo đức của họ được đo đến 10 triệu.

- Có người đứng trước lợi ích 10 triệu họ vẫn tử tế. Nhưng trước 100 triệu thì họ bắt đầu lung lay.

- Có người 100 triệu vẫn còn tử tế, nhưng trước số tiền 1 tỷ, 10 tỷ, trăm tỷ … thì họ sẽ bất chấp xấu, ác mà làm …

Người làm việc xấu, ác đều có một đặc điểm chung là:

Họ luôn đưa ra những lý do, lý lẽ của riêng họ có vẻ rất thuyết phục chứng minh, bao biện, hợp lý hóa cho việc làm của họ (để họ tự chấn an bên trong họ và thuyết phục người khác rằng họ đúng hoặc họ sai nhưng có lý do cho nên người khác PHẢI thông cảm cho họ …).

+ Ngưỡng nghị lực.

- Có người chịu đựng được các áp lực, khó chịu về thể chất, tinh thần (áp lực, chuyện bất như ý ...) ở cấp độ 3 là đã thấy HẾT CHỊU NỔI và chán nản hoặc bỏ cuộc hoặc "nổi khùng'', căng thẳng, bất an tinh thần, mất sáng suốt trí óc ...

- Có người chịu được các áp lực về thể chất, tinh thần ở cấp độ 10 vẫn chịu được với một tâm bình an, tĩnh lặng, sáng suốt ...

+ Ngưỡng kỹ năng, ngưỡng năng lực: Có người làm 1 ngày ra số lượng và chất lượng công việc giá trị vài trăm nghìn, có người làm được số lượng nhiều và chất lượng giá trị vài triệu, vài chục triệu, vài trăm triệu, vài tỷ đồng ...

TẠI MỘT THỜI ĐIỂM: Mỗi người chúng ta ai cũng có ngưỡng hiện tại của mình. Nhưng về lâu dài ai cũng có thể cải thiện ngưỡng - giới hạn của bản thân đến vô hạn. Vấn đề là cần thời gian, cần sự nỗ lực, cần những người thầy, người đồng đội để giúp quá trình vượt ngưỡng ấy thuận lợi hơn, nhanh hơn, xa hơn ...

SAI LẦM thường gặp là một số người luôn hô hào “Tiềm năng của con người là vô hạn’’ rồi đặt mục tiêu cao vời, nhưng không nhìn ra các ngưỡng hiện tại của mình so với ngưỡng cần có để đạt kết quả tương ứng đang đề ra ấy, để rồi thất bại, thất vọng, hoặc sẵn sàng tìm đường tắt, xấu, ác, không xứng đáng để bằng mọi cách đạt được MỤC TIÊU.

KẺ THẤT BẠI khi chạm ngưỡng thì bao biện, chối bỏ, trốn tránh, sợ hãi, chán nản … và nói rằng KHÔNG PHÙ HỢP rồi bỏ cuộc.

NGƯỜI THÀNH CÔNG khi chạm ngưỡng họ coi là thử thách thú vị, tìm cách và kiên trì VƯỢT QUA !

Người có thành công lớn bằng thực lực thì đòi hỏi ngưỡng chịu đựng thất bại về số lần, về cường độ cao hơn người thường.

C. Người Môi giới Bất động sản và các ngưỡng cần vượt qua, cần nâng cao.

+ Ngưỡng kiên trì.

- Môi giới A gặp 10 khách từ chối là chạm ngưỡng kiên trì của họ và họ hết kiên trì nổi => họ từ bỏ nghề.

- Môi giới B gặp 100 khách từ chối nhưng vẫn làm việc bình thường => ngưỡng kiên trì chịu đựng sự từ chối của Môi giới B cao gấp 10 lần Môi giới A. Edison thí nghiệm thất bại 10.000 lần trước khi thành công chế tạo bóng đèn điện. Những người vĩ đại đều có ngưỡng chịu đựng thất bại rất cao.

- Môi giới A vào 20 group chát Face đã thấy quá nhiều, quá tải, khó chịu ... Môi giới B có mặt trong 1000 group chát Face vẫn thấy bình thường.

+ Ngưỡng chịu đựng sự nhàm chán.

- Môi giới A ngồi đăng 10 tin đăng là thấy không chịu được, phải làm việc khác giải khuây.

- Môi giới B đăng 100 tin mới bắt đầu thấy mỏi mỏi chút => Môi giới B có ngưỡng chịu đựng sự nhàm chán gấp 10 lần Môi giới A.

Người thành công làm những việc cần làm bất luận có thích việc ấy hay không, việc ấy thú vị hay không, miễn là nó không có hại cho mình, cho người thì cần làm là sẽ làm.

+ Ngưỡng chịu đựng chốt hụt.

- Môi giới A chốt hụt 1 lần đã tụt cảm xúc và nghĩ đến việc từ bỏ nghề.

- Môi giới B hiểu rằng chốt hụt là chuyện bình thường và chốt hụt 10 lần vẫn tiến về phía trước, rút kinh nghiệm cho mình (chứ không phải đổ lỗi hoặc rút kinh nghiệm cho người khác) và tìm khách mới, tiếp tục tiến lên => Môi giới B có ngưỡng chịu đựng chốt hụt gấp 10 lần Môi giới A.

+ Ngưỡng về năng lực (trí tuệ, kỹ năng).

- Môi giới A chỉ giải quyết được những tình huống khó hoặc khách hàng khó tính, khách hàng xấu tính ở mức độ 3.

- Môi giới B có thể vượt qua được những tình huống khó, khách hàng khó, khách hàng xấu ở mức độ 10.

+ Ngưỡng về sự khiêm hạ:

- Môi giới A đạt thành tích cấp đô 3 đã tự mãn, tự kiêu, Môi giới B đạt thành tích cấp độ 5 bắt đầu phát sinh kiêu mạn, Môi giới C đạt thành tích cấp độ 10 vẫn còn khiêm hạ …

- Khi nào còn khiêm hạ là còn phát triển, hết khiêm hạ thì không tự nhìn thấy cái sai, cái xấu, cái yếu của mình mà chỉ nhìn thấy người khác sai, xấu, yếu … thì đó là lúc người ấy dừng lại sự phát triển, thậm chí bắt đầu tụt lùi.

TÓM LẠI:

+ Mỗi người chúng ta hãy ý thức rất rõ mình cần và còn có thể vượt ngưỡng hiện tại về mọi mặt.

+ Đừng lấy lý do có vẻ hợp lý để bao biện cho ngưỡng của mình còn yếu về một mặt nào đó.

+ Điều chúng ta cần ghi nhận, thừa nhận, ý thước rõ ngưỡng hiện tại của mình và đối mặt, tìm giải pháp vượt qua, LÀM CÁCH NÀO VƯỢT NGƯỠNG HIỆN TẠI CỦA CHÍNH MÌNH ở khía cạnh mình còn yếu, mạnh rồi thì còn có thể cải thiện tăng mức độ mạnh hơn trong tương lai ... đó là một quá trình liên tục lâu dài.

+ Các ngưỡng được nhắc đến ở trên của bạn đang ở mức độ nào? Bạn có giải pháp gì để vượt ngưỡng - vượt qua giới hạn bản thân.

Chiến thắng chính bản thân mình chính là VƯỢT NGƯỠNG liên tục.

Đừng chăm chăm nhìn vào NGƯỠNG của người khác và mong vượt qua họ, trong khi không biết ngưỡng hiện tại của mình đang ở đâu và cần làm gì, cần bao lâu để vượt qua ngưỡng hiện tại của chính mình!

Vượt qua chính mình trước khi vượt qua người khác.

VƯỢT NGƯỠNG – VƯỢT GIỚI HẠN của CHÍNH MÌNH!

KẺ THẤT BẠI khi chạm ngưỡng thì bao biện, chối bỏ, trốn tránh, sợ hãi, chán nản … và nói rằng KHÔNG PHÙ HỢP rồi bỏ cuộc.

NGƯỜI THÀNH CÔNG khi chạm ngưỡng họ coi là thử thách thú vị, tìm cách và kiên trì VƯỢT QUA !

HCM, 16/10/2021

ÂN ĐỨC NHÂN
Chọn lọc những nội dung phát triển cá nhân, phát triển tổ chức hiệu quả cao và bền vững. Chuyên sâu trong lĩnh vực Bất động sản và nghề Môi giới.