HỎI ĐÁP: YẾU TỐ NÀO QUAN TRỌNG GIÚP MỘT NGƯỜI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC LÃNH ĐẠO LỚN?

Đây là một câu hỏi lớn, phải kiên trì nói và nghe nhiều đấy ...

Ân Đức Nhân

HỎI:

Tôi muốn làm một lãnh đạo lớn trong tương lai, muốn làm nhiều việc vĩ đại. Nhưng bây giờ trong công việc tôi không thích một người A vì người đó theo góc nhìn của tôi là có chỗ không tốt, không chân thành, có chỗ còn yếu, còn sai .... Tôi thấy rất khó chịu khi tương tác với người đó và không muốn tương tác, có lẽ chỉ tương tác tối thiểu khi bắt buộc phải tương tác. Thậm chí tôi không hề muốn hợp tác với người đó nữa.

ĐÁP:

Đã hỏi thì cần kiên trì nhé, vì đây là một câu hỏi lớn, phải kiên trì nói và nghe nhiều đấy.

Trước tiên, hãy tự trả lời thật nhanh vài câu hỏi sau (không cần nói ra):

+ Người kia có điều gì mạnh hơn mình, nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm hơn mình không? (Có).

+ Giả sử mình tạm gác sang một bên vấn đề cảm xúc, đúng sai thì khi hợp tác với người kia mình có tăng thêm giá trị, cơ hội cho mình không? (Có).

+ Bản thân mình có phải là người toàn hảo không bao giờ sai xấu hoặc mình luôn mạnh mẽ và đúng đắn không? (Không).

+ Mình vẫn còn điều yếu, điều sai có thể là nguyên nhân người kia cũng không thích mình đúng chứ? (Đúng).

+ Người kia cũng có vẻ không thiện chí với mình vì trong mắt họ thì mình cũng còn điều còn sai, xấu, đúng chứ? (Có lẽ vậy).

+ Mình có chắc là mình luôn đúng hơn người kia không? (Không chắc lắm).

+ Mình nghe các thánh nhân dạy là cần có lòng bao dung, độ lượng … nếu mình đang nghĩ như trên thì có thực sự mình đang thực hành được những lời dạy của thánh nhân toàn vẹn chưa? (Hình như là chưa, nhưng ...).

Có thể chúng ta có lòng bao dung chưa đủ lớn để cảm thông cho nhau, chưa đủ tình thương để chấp nhận những bất đồng để mà ghi nhận những điều tốt của nhau, để hợp tác, giúp đỡ nhau ... và đó quy về lại chính là chúng ta mất đi mối quan hệ đáng ra mà giữ được thì tốt hơn cho cả hai.

Chỉ cần một trong hai hoặc cả hai chấp nhận nhau ở điểm bất toàn và ghi nhận nhau điểm tốt thì sẽ vẫn quý nhau, chân thành nhau như thường (vì chúng ta đang trên một con thuyền, ta không muốn nhảy khỏi thuyền mà cũng không đạp người đó ra khỏi thuyền được).

Chỉ cần bỏ đi sự tự ái, sự hiếu thắng, cái tôi cá nhân còn ngấm ngầm vận hành ... hãy cho chính mình thêm một cơ hội và cho người khác thêm một cơ hội ... chúng ta đều là những người bất toàn vẹn mà, cho nên đâu dám đòi hỏi người khác toàn vẹn đâu, mà góc nhìn của ta còn chưa chắc luôn là tốt nhất, đúng nhất trên đời nữa.

Cho nên người ta mới nói: Người thành công lớn là người thích nghi, sống chung, hợp tác được với tất cả người khác trên đời. Ai càng chơi được, chinh phục được nhiều người thì càng thành công lớn. Ai càng loại bỏ nhiều người ra khỏi Mối quan hệ (do không theo như ý mình, do thấy họ có điểm còn bất toàn vẹn) thì mình càng giảm đi cơ hội từ các Mối quan hệ ấy.

Đấy là chưa nói thêm về lòng bao dung và tình yêu thương nữa ... và chính mình luôn bất an, đau khổ và sớm muộn mình cũng chia tay với tất cả các mối quan hệ (bởi một điều chắc chắn là đến một ngày nào đó thì bất kỳ ai quanh mình sẽ có điều làm mình khó chịu - bởi vì không có ai trên đời này là hoàn hảo hoặc giống hết quan điểm của mình trong hàng trăm hàng nghìn sự việc phát sinh bao nhiêu là năm tháng bên cạnh nhau, ... mình sẽ là người cô độc, còn vẻ ngoài nhiều bạn chỉ là xã giao hời hợt ... hoặc mình chỉ chơi với người giống mình hoặc yếu hơn mình (vì mình đè được người ta, thắng được người ta).

Chinh phục và vượt qua không chỉ thử thách ngoài kia với thị trường (khách, chủ, đối thủ) ... mà còn phải chinh phục, vượt qua sự bất toàn, cứng đầu, khác biệt, yếu kém ... của đồng đội cùng thuyền.

Nếu muốn làm Lãnh đạo lớn lại càng nên suy ngẫm những điều này, để với tâm thế ta phải giúp đỡ được nhiều người hơn, kể cả họ là người xấu, người yếu.

Trước tiên, hãy giúp đỡ chính mình bình an hơn, bao dung hơn, và tiếp theo là giúp những người khác như vậy thì mới có thể là lãnh đạo lớn.

Khi bản ngã càng nhỏ lại, ta càng bao dung với tất cả.

Khi bản ngã còn lớn, ta không thể chấp nhận ai khác mình, không thể chấp nhận ai đang sai, đang xấu (theo quan điểm, góc nhìn của mình).

----

HỎI:

Tôi học cũng nhiều rồi, trải nghiệm cũng nhiều rồi cho nên: Tôi nhìn người ít sai lắm. Không thích thì không giao tiếp, không hợp tác. Tôi không thích chính mình và người khác phải giả tạo che giấu cảm xúc thật, tôi cho đó là lươn lẹo và tôi không thích điều đó.

ĐÁP:

Hãy trả lời câu hỏi này trước (và tự trả lời trong đầu thôi, không cần nói ra):

+ Người kia có thù oán gì với mình trong quá khứ không? (đời này thì không, đời trước thì tôi chưa biết).

+ Người đó có động cơ nào để làm hại mình không? (hình như là không).

VẬY:

Quan trọng ta luôn nhớ: Trong tâm chúng ta và những người xung quanh không có ý muốn hại người khác. Không có thù oán với người khác. Thậm chí các bậc cao nhân còn khuyên “Hãy yêu thương kẻ thù”. Mà đây đâu đến mức là kẻ thù đâu. Con người ta hạnh phúc hay thành công là ở chỗ áp dụng lời thánh nhân thế nào chứ không phải biết nhiều hay biết ít.

Chúng ta ai mà chẳng nghĩ mình biết nhiều. Kể cả biết nhiều học nhiều thật thì vẫn còn cái quan trọng hơn ta cần biết là: Biết càng nhiều mà chưa áp dụng được, thì độ lệch giữa “cái biết” và “cái làm được” càng xa nhau, chỉ làm chúng ta đau khổ hơn mà thôi.

Vì: Càng biết nhiều thì bản ngã càng tăng, và yêu cầu, tiêu chuẩn dành cho mình và dành cho người xung quanh cũng tăng lên ... cái biết và tiêu chuẩn thì tăng nhanh dễ dàng (ai cũng có thể nghe nhìn rồi nghĩ là mình đã biết hơn nhiều so với mình trước đây và hơn so với nhiều người khác – tuy chưa chắc mình đã biết nhiều hơn người khác) nhưng mình chuyển hóa, thực hành được điều mình biết thì tăng rất chậm ... người xung quanh họ cũng vậy ...

Đó là lý do nhiều người học càng nhiều, biết càng nhiều càng thấy:

+ Mình đuối (vì thấy nhiều điều cần làm được quá mà mình chưa làm được).

+ Càng hay tranh luận (vì thấy người khác không biết những điều mình biết thì mình cho là họ sai và mình cần góp ý cho họ, hoặc cho họ biết họ đang sai).

+ Càng đau khổ và dễ nổi nóng hơn (ngấm ngầm nổi nóng bên trong – chỉ khác trước khi học nhiều thì nổi nóng bộc ra bên ngoài dễ hơn mà thôi, nhưng bây giờ kìm thêm một đoạn mà khi bộc phát thì có khi còn kinh khủng hơn trước đây lúc mình còn nghĩ mình biết ít).

Hãy thương những người xung quanh vì chính họ đang phải đối mặt với những điều bất toàn trong cuộc sống của chính họ - cũng rất mệt mỏi, khó khăn và họ đang cố gắng nỗ lực để vượt qua những khó khăn thử thách ấy. Hãy nhìn vào những điều họ đang phải đối mặt và ghi nhận sự nỗ lực của họ.

HỎI:

Nhưng tôi là người kỹ tính, khắt khe hơn người thường cho nên tôi không thích thì sẽ không thể thoải mái hợp tác.

ĐÁP:

Nếu nói về cái lợi, cái hại đối với mình và người tương quan với cảm xúc khó chịu:

+ Khi sự khó chịu nổi lên: Chính mình là người thiệt hại đầu tiên (mình thấy mệt trong lòng) và không hợp tác thì mất cơ hội của chính mình, mất cơ hội của cả người khác, thậm chí mình có hành động, lời nói gây hại cho người khác -> hại mình, hại người.

+ Khi lòng thương người nổi lên: Chính mình là người hưởng lợi đầu tiên (tâm mình bình an) và mình sẵn sàng giúp người mình đang thấy thương -> lợi mình, lợi người.

+ Tiêu chuẩn nên càng cao càng tốt để hướng tới: ĐÚNG!

+ Nhưng vấn đề là: Khi chính mình và người khác chưa đạt đến tiêu chuẩn ấy thì tâm mình vẫn nên bình lặng, nên yêu thương, vẫn nên giúp đỡ người ấy ... chứ không nên khó chịu (mệt mình), không nên coi thường (không hợp tác được - tự mình mất cơ hội), không nên lan tỏa sự khó chịu ấy (người nghe khác sẽ mệt nếu họ không đủ mạnh, và cũng làm mất đi sự hợp tác của những người khác).

Mong là anh đang nói chuyện với tôi với tâm bình an để tiếp nhận. Không tranh luận đúng sai, hơn thua với tôi, vì anh đang hỏi ý kiến tôi mà, đúng chứ?

HỎI: Tôi cũng thấy mình cứng đầu, tôi …

ĐÁP: Vậy hãy đọc lại bài viết sau và lưu ý: Đọc xong thì im lặng, đừng vội phản hồi gì, đừng vội quay ra bên ngoài để nói với tôi hay với ai khác ngoài kia quan điểm của mình, hãy quay vào nói chuyện với chính mình, với những suy nghĩ đang diễn ra trong mình.

Hãy quay vào bên trong nhé:

ĐỪNG VỘI TIN nhưng cũng ĐỪNG VỘI PHỦ NHẬN. LÝ DO lớn nhất của THẤT BẠI & ĐAU KHỔ.

Nếu chúng ta chưa có thành công hoặc bình an thì chắc chắn mình đang còn nhiều yếu đuối, sai xấu. Nếu chưa thành công mà nghĩ mình mạnh mẽ tốt đẹp thì hãy nhờ những bậc thầy tìm và chỉ ra cho mình những điểm còn yếu, sẽ thấy rõ mồn một. Vấn đề là: Hãy tìm đúng vị thầy và tìm đúng rồi thì nên tin lời vị thầy ấy dựa trên sự tìm hiểu, phân tích, suy ngẫm kỹ lời vị thầy nói để niềm tin dựa trên sự suy xét cẩn thận sẽ vững chắc không lay động trước những ý kiến trái chiều từ chính bên trong con người mình nổi lên và ý kiến trái chiều từ những người xung quanh.

ĐỪNG VỘI TIN những suy nghĩ, niềm tin của chính mình nếu mình còn chưa có thành tựu, chưa có an vui. ĐỪNG VỘI TIN lời người khác, NHƯNG cũng ĐỪNG VỘI BÁC BỎ những điều được chia sẻ từ những người có thành tựu, uy tín, địa vị, thành tích lớn hơn mình rất rất nhiều.

---

LÝ DO lớn nhất của THẤT BẠI & ĐAU KHỔ không phải là ngoại cảnh mà chính là con người YẾU ĐUỐI & SAI XẤU bên trong chính mình.

1. YẾU ĐUỐI:

+ Lười học tập hoặc học tập thụ động thì cũng không tiếp thu được nhiều điều đúng đắn mạnh mẽ cần thiết.

+ Biết việc cần làm, biết cách cần làm việc ấy nhưng lại yếu đuối không chịu làm vì lười biếng hoặc yếu đuối không vượt qua được các rào cản bên trong và bên ngoài mình.

+ Từng làm được một vài lần mà yếu đuối không mạnh mẽ kiên trì được đủ lâu.

2. SAI XẤU:

+ Làm sai mà không biết mình sai do bị vô minh che mờ, càng nỗ lực chăm chỉ thì càng làm cho mình nhanh đi đến thất bại hơn (vì chăm chỉ mà không ra kết quả thì mệt mỏi bỏ cuộc nhanh hơn và tạo ra hệ lụy xấu nhiều hơn).

+ Kiêu mạn, bảo thủ luôn cho mình đúng, luôn cho là mình tốt trong khi thực sự thì chưa phải như vậy.

+ Tham lam muốn được nhiều hơn cho mình bất chấp tổn hại lợi ích của người khác, thậm chí của những người nghèo khó hơn mình.

+ Ích kỷ, cố chấp, nhỏ nhen ... chấp nhặt những việc nhỏ, không biết thông cảm, bao dung, tha thứ cho lỗi lầm của người khác trong khi chính mình có những lỗi lầm có khi còn lớn hơn nhưng chỉ viện lý do, tìm cớ tự bao biện cho mình đúng đắn hợp lý, bắt người khác phải thông cảm cho mình, người khác chưa thông cảm thì khó chịu người khác - đòi hỏi người khác phải thông cảm cho mình ... phải tôn trọng mình ... (cái vòng luẩn quẩn).

Nếu chúng ta chưa có thành công hoặc bình an thì chắc chắn mình đang còn nhiều yếu đuối, sai xấu. Nếu chưa thành công mà nghĩ mình mạnh mẽ tốt đẹp thì hãy nhờ những bậc thầy tìm và chỉ ra cho mình những điểm còn yếu, sẽ thấy rõ mồn một. Vấn đề là: Hãy tìm đúng vị thầy và tìm đúng rồi thì nên tin lời vị thầy ấy dựa trên sự tìm hiểu, phân tích, suy ngẫm kỹ lời vị thầy nói để niềm tin dựa trên sự suy xét cẩn thận sẽ vững chắc không lay động trước những ý kiến trái chiều từ chính bên trong con người mình nổi lên và ý kiến trái chiều từ những người xung quanh.

ĐỪNG VỘI TIN những suy nghĩ, niềm tin của chính mình nếu mình còn chưa có thành tựu, chưa có an vui. ĐỪNG VỘI TIN lời người khác, NHƯNG cũng ĐỪNG VỘI BÁC BỎ những điều được chia sẻ từ những người có thành tựu, uy tín, địa vị, thành tích lớn hơn mình rất rất nhiều.

ÂN ĐỨC NHÂN
Chọn lọc những nội dung phát triển cá nhân, phát triển tổ chức hiệu quả cao và bền vững. Chuyên sâu trong lĩnh vực Bất động sản và nghề Môi giới.
Lãnh dạoPhát triển bản thânTỉnh thứcĐộng lực thay đổiCảm xúc